Chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hấp dẫn, hiệu quả, sát với thực tiễn

- Thứ Năm, 17/03/2022, 06:42 - Chia sẻ
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, đa số ĐBQH cho rằng, Phiên chất vấn diễn ra hấp dẫn, hiệu quả, nội dung chất vấn rất sát với thực tiễn, tập trung vào những vấn đề nóng đang nổi lên trong thời gian vừa qua.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi: Đưa ra được giải pháp căn cơ và lâu dài

Ảnh: Trung Thành

Hoạt động chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã rất thành công. Các vấn đề đưa ra chất vấn rất sát với thực tiễn đời sống đang đặt ra, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Phiên chất vấn được truyền hình và phát thanh trực tiếp đã góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gần gũi với cử tri và Nhân dân; là một kênh hữu hiệu để cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội, các ĐBQH. Điều ấn tượng là Chủ tọa gợi mở, điều hành rất khoa học, chặt chẽ, linh hoạt. Các đại biểu Quốc hội chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tranh luận với Bộ trưởng để đi đến cùng các vấn đề đặt ra. Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, cầu thị và trách nhiệm, đưa ra được giải pháp căn cơ và lâu dài, trong đó, có những giải pháp mang tính khoa học, khả thi cao. Đương nhiên, cũng còn một số nội dung đặt ra, nhưng Bộ trưởng chưa thể có câu trả lời thỏa đáng ngay, bởi đây là những vấn đề lớn, khó.

Điều quan trọng hơn cả, đó là qua phiên chất vấn này, các ngành, các cấp, từng cơ quan, đơn vị có liên quan, người dân, doanh nghiệp cùng nhìn nhận lại để có sự chia sẻ, đồng cảm cũng như đề xuất được những giải pháp, bước đi phù hợp nhất, khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến thực sự trong thực tiễn.

Đối với Bến Tre - một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế chính là nông nghiệp, chịu sự tác động nặng nề khi giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá cả đầu ra các mặt hàng nông sản xuống thấp, thậm chí có những lúc không tiêu thụ được. Đây là những vấn đề nhiều đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ Công thương. Mong rằng Bộ Công thương cùng các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những giải pháp thật căn cơ, hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho nông dân có thể sống được với "mảnh đất" của mình.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, tôi đồng tình và đánh giá cao với kết luận của Chủ tịch Quốc hội. Trong đó, cần có những giải pháp thật căn cơ để xử lý rác thải, quan tâm đến công tác quy hoạch quỹ đất, lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, đặc biệt là áp dụng chính sách về giá xử lý rác thải để thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Siết chặt quy định về đấu giá đất

Ảnh: Hoàng Ngọc

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời thuyết phục về nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn tình trạng "thổi giá" đất lên cao, "bỏ cọc"... Tôi cho rằng, ở đây có nguyên nhân do luật pháp, như Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai… Và đúng là cơ quan tổ chức đấu giá tuy đã làm đúng quy định pháp luật, nhưng vẫn không đạt kết quả như mong muốn.

Hiện nay tình trạng thổi giá đất lên cao, bỏ cọc không còn là hiện tượng đơn lẻ mà là sự cố ý, có chủ mưu, chủ đích, thậm chí lan rất nhanh, trở thành vấn nạn trong đời sống xã hội. Giá trị thực của đất bị thổi lên cao, và chính những kẻ đã ém sẵn đất, nhân cơ hội thổi giá sẽ bán ra, thu lại lợi nhuận, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đất được đấu giá nhằm mục đích bán cho người có nhu cầu, mong muốn sử dụng, nhưng vì thổi giá cao, nên họ không thể tham gia đấu giá, và đã có không ít trường hợp đất đai vì thế mà bị bỏ trống. Hay có những kẻ cố tình thổi giá đất lên cao nhằm nâng giá trị tài sản, để khi thế chấp ngân hàng sẽ vay vốn được nhiều hơn, hoặc đưa mảnh đất đó làm yếu tố bảo đảm cho khoản nợ. Đây đều là những yếu tố gây nguy hại cho nền kinh tế.

Đấu giá quyền sử dụng đất khi xảy ra tiêu cực bị phát hiện đều bị quy trách nhiệm, thậm chí bị xử lý hình sự vì công tác tổ chức chưa tốt. Tuy nhiên, có trường hợp người đấu giá tự tăng giá đất, thì ở đây không phải do cơ quan, tổ chức thực hiện đấu giá cố tình, mà do sự cố ý của người tham gia đấu giá. Dù cơ quan, tổ chức có thực hiện đúng quy định pháp luật cũng không thể ngăn chặn được. Đây là quyền của người tham gia đấu giá. Cho nên, ở đây có "lỗ hổng" về mặt luật pháp như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu. Cụ thể, trong Luật Đấu thầu, chúng ta chưa thẩm tra kỹ tư cách, điều kiện, năng lực của người tham gia đấu giá đất. Tham gia đấu giá đất không phải chỉ thu tiền về cho Nhà nước, mà người tham gia đấu giá đất thực sự có năng lực sử dụng quỹ đất này không, đặc biệt với quỹ đất lớn. Mặt khác, sau khi đấu giá, dù trúng thầu rồi nhưng người mua vẫn còn nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục mua bán, chính thời gian này là cơ hội cho kẻ trục lợi. Cho nên, tới đây phải siết chặt quy định về đấu giá đất.

Đối với Luật Đất đai, giá đất quy định của Nhà nước đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nên khi đấu giá đất, công tác định giá khởi điểm cũng không sát với giá thị trường. Điều này dẫn đến việc người tham gia đấu giá thổi giá tăng lên, cũng rất khó phát hiện đó là tăng giá như thế là bình thường hay bất thường. Ở đây có trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện phiên đấu giá này có bình thường hay không? Nếu phát hiện ra bất thường phải có biện pháp điều tra, khảo sát, đánh giá và cảnh báo. Và người dân sẽ không bị mắc mưu, mắc lừa của những người thổi giá đất.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, công tác quản lý nhà nước đã không sát sao, làm tốt chức trách của mình, nên thị trường còn bất ổn, kéo theo câu chuyện cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kiếm lợi cho mình, khiến nguồn lực đất đai không được đưa vào sử dụng, cản trở nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực đất đai. Việc thổi giá đất đã xuất hiện nhiều năm nay, vì sao các cơ quan quản lý không bít được lỗ hổng đó, không đề xuất sửa luật để ngăn chặn tình trạng trên? Cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động phát hiện lỗ hổng, hoàn thiện các công cụ quản lý để ngăn chặn trước, chứ không phải đuổi theo hệ lụy. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, không phải dựa vào tiêu chí đánh giá đã làm đúng quy định pháp luật chưa, mà căn cứ vào việc không làm tốt công tác quản lý nên đã để xảy ra tiêu cực, bất ổn của thị trường.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): Cần thực hiện các giải pháp nhanh hơn, quyết liệt hơn

Phiên chất vấn diễn ra hấp dẫn, hiệu quả, nội dung chất vấn rất sát với thực tiễn, tập trung vào những vấn đề nóng đang nổi lên trong thời gian qua.

Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Mặc dù Bộ trưởng nhận nhiệm vụ chưa lâu, mới gần một năm, nhưng nắm khá vững lĩnh vực mình phụ trách. Bộ trưởng đã trả lời khá đầy đủ, chi tiết các vấn đề được ĐBQH nêu, giải tỏa được những lo lắng, trăn trở của ĐBQH cũng như của cử tri và dư luận xã hội xung quanh các vấn đề: việc điều chỉnh giá xăng dầu, giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong khai thông ách tắc cho hàng hóa xuất khẩu… Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về công tác quản lý, điều hành lĩnh vực mình phụ trách, các nỗ lực nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Những nỗ lực của Bộ Công thương nói riêng và của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thể hiện sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần phục vụ Nhân dân.

Tôi mong rằng tới đây Chính phủ, các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhanh hơn, quyết liệt nữa; tránh việc giá xăng dầu lên, thị trường thiết lập mặt bằng giá mới, làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Bởi lẽ, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang thì khó có thể giữ lạm phát ở dưới 4% theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Nếu không có giải pháp chiến lược, căn cơ nhằm kiềm chế giá dầu leo thang thì nền kinh tế sẽ phải đối mặt với hai bài toán lớn: nguy cơ đình trệ và lạm phát leo thang. Đây là một thách thức rất lớn cho sự điều hành của Chính phủ.

H.Ngọc, T. Thành, T.Chi thực hiện