Giám sát chuyên đề của Quốc hội về công tác quy hoạch

Giám sát "đến nơi, đến chốn" vì sự phát triển của đất nước

- Thứ Sáu, 18/02/2022, 05:55 - Chia sẻ
Cá thể hóa trách nhiệm, quy rõ trách nhiệm là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về kết quả bước đầu giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch. Điều này thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cơ quan lập pháp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong việc giám sát phải đi đến cùng, giám sát đến nơi, đến chốn với mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá kỹ tiến độ, chất lượng quy hoạch

Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” được trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là một cách làm rất mới, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thông qua báo cáo kết quả bước đầu để cho ý kiến đối với kế hoạch giám sát chuyên đề, định hướng công việc sẽ làm trong thời gian tới. Tới đây các cuộc giám sát khác cũng tiến hành theo cách thức này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Quy hoạch là công việc rất quan trọng, phải đi trước một bước. Quy hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch thấp sẽ kìm hãm sự phát triển. Vậy, giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực” sẽ giải quyết những vấn đề gì? Theo Chủ tịch Quốc hội, thông qua giám sát phải trả lời được cho Quốc hội, cho cử tri và Nhân dân các vấn đề cốt lõi, như: hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, thời hạn hoàn thành theo quy định, thực tế công tác tổ chức biên soạn, ban hành văn bản (chất lượng, tiến độ) như thế nào? Có ý kiến cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật không những không tạo điều kiện mà còn gây khó khăn cho công tác quy hoạch thì có phải do luật không? Ngay trong Báo cáo kết quả bước đầu đã chỉ rõ, việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7.5.2019) chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Như vậy, phải xác định rõ thời gian chậm tiến độ (tính đến mốc thời điểm có kết quả giám sát), làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trong vấn đề này. Khi đã xác định rõ trách nhiệm thì phải giải trình trước Quốc hội.

Chỉ ra vấn đề mà Đoàn giám sát cần tiếp tục làm rõ là danh mục hệ thống quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch, thời hạn hoàn thành từng loại quy hoạch theo Luật Quy hoạch, Nghị định 37/NĐ - CP và Nghị quyết 11/NQ - CP ngày 5.2.2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn, “phải làm rõ tiến độ thực hiện cho đến nay, cái gì chậm, chậm ở đâu, trách nhiệm của bộ, ngành nào”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần đánh giá sơ bộ chất lượng các quy hoạch; trong đó, bám sát theo Nghị định 37, thời gian lập hệ thống quy hoạch quốc gia: quy hoạch tổng thể quốc gia, không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia,  theo quy định thời gian lập và hoàn thành không quá 30 tháng tính từ ngày giao nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Trong đó thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong khi các quy hoạch khác còn vắng bóng. Hay Nghị định 37 quy định, thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng, tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Đoàn giám sát phải "canh" theo từng mốc cụ thể, từng quy hoạch cụ thể để xem xét tiến độ, đánh giá rõ thời gian chậm tiến độ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

Nhân rộng bài học hay, kinh nghiệm tốt

Giám sát không phải để phê phán, đánh giá sai phạm mà cần biểu dương những địa phương, bộ ngành đã làm tốt. Nhấn mạnh quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, hai tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh đã hoàn thành được quy hoạch tỉnh, tại sao có nơi làm được, nơi không? Bài học nào hay, cách làm nào mới, kinh nghiệm gì tốt cần được nhân rộng. Những ưu điểm, nỗ lực, sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng cần được ghi nhận. Nơi đâu vượt khó để hoàn thành cần tuyên dương, khen thưởng.

Hay theo Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ quy định: quy hoạch ngành quốc gia phải phê duyệt trước ngày 31.12.2020. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành, thì cũng cần đánh giá kỹ bài học này, vì sao Bộ khác lại không làm được? Rõ ràng mốc thời gian do Chính phủ định ra nhưng việc thực hiện vẫn rất chậm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát phải làm rõ quá trình chấp hành trình tự trong hoạt động quy hoạch theo Điều 7, Luật Quy hoạch với 5 bước: lập quy hoạch; thẩm định quy hoạch; quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; công bố quy hoạch; thực hiện quy hoạch. Tiếp tục đánh giá bước đầu về tiến độ, chất lượng của công tác lập quy hoạch. Đáng lưu ý là cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch (dữ liệu trên hồ sơ và thực tế đang vênh nhau).

Lưu ý Đoàn giám sát cần huy động đội ngũ chuyên gia cùng vào cuộc, xem xét những vấn đề đặt ra trong quy hoạch, quy hoạch xong, tích hợp quy hoạch như thế nào, việc vênh nhau trong quy hoạch phải điều chỉnh đã hợp lý hay chưa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cách làm này sẽ giúp chỉ rõ việc có hay không sự vướng mắc trong thực thi pháp luật.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu đối với Báo cáo kết quả giám sát phải đánh giá được những ưu, nhược điểm, vướng mắc của chính sách pháp luật hiện hành. Hệ lụy của việc chậm quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội như thế nào? Việc xử lý áp dụng quy hoạch cũ với quy hoạch mới ra sao? Khi doanh nghiệp, người dân đang thực hiện quy hoạch cũ, có quy hoạch mới thì như thế nào? Phải chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc vừa qua, nguyên nhân nào do hệ thống pháp luật (luật, nghị định, thông tư hướng dẫn) và nguyên nhân nào do tổ chức thực hiện, từ đó xác định trách nhiệm tổng thể, trách nhiệm cá biệt.

Cá thể hóa trách nhiệm, quy rõ trách nhiệm được Chủ tịch Quốc hội nhắc đi, nhắc lại nhiều lần tại phiên họp sáng qua, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cơ quan lập pháp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong việc giám sát phải đi đến cùng, đến nơi, đến chốn. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói: “Chúng ta không nể nang, né tránh. Tinh thần này cũng được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ. Quốc hội càng sát sao thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành làm tốt hơn, với mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”. 

Anh Thảo