Tăng tuổi nghỉ hưu

Hợp lý để tạo đồng thuận

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 06:59 - Chia sẻ
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được Chính phủ trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua được đánh giá là đã hợp lý hơn, song các ĐBQH cũng lưu ý rằng, từ “hợp lý hơn” đến sự đồng thuận của xã hội, của người lao động là cả một vấn đề. Bởi thực tế đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta trước đây và nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, đây luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ gây phản ứng. Theo các ĐBQH, điều quan trọng nhất đối với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là phải thực sự thuyết phục về lý lẽ, lộ trình để tạo niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động.

Tất yếu và thực sự cần thiết?

“Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu và cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của nước ta hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định trước QH. Tuy nhiên, đề xuất này tiếp tục gây tranh luận trái chiều tại kỳ họp QH vừa qua bởi đây là vấn đề lớn, tác động đến hàng chục triệu người lao động.

Là một trong những đại biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu rõ, 60 năm qua chúng ta không hề tăng bất kỳ tuổi nghỉ hưu nào, trong khi tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 59,04 tuổi vào năm 1960 lên 76,05 tuổi hiện nay. Như vậy, tuổi thọ cao gây áp lực cho toàn bộ hệ thống quỹ hưu trí. Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí là quỹ được Nhà nước bao cấp. Bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục bao cấp. Nếu người lao động nghỉ hưu ở tuổi 60 có 16 năm tiếp tục sống và hưởng lương hưu thì quỹ phải bù cao nhất là 45 tháng, thấp nhất là bù 4 tháng. Số tiền bù đó lấy ở đâu? “Hiện nay, Nhà nước không bù mà số tiền lấy của người đang đóng để bù cho người đang hưởng nên áp lực với quỹ hưu trí vô cùng lớn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.


Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, có niềm tin lớn đối với đề xuất lần này vì dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý. Theo đó, phương án 1 được Chính phủ báo cáo QH thì kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, sau 9 năm đối với nam, 16 năm đối với nữ mới đến điểm cuối cùng của tuổi nghỉ hưu. Lộ trình này nhằm giải quyết tuyển dụng đối tượng lao động đã qua đào tạo. Đây cũng là thời gian để nâng cao trách nhiệm, định hướng đào tạo hướng nghiệp cho lực lượng trẻ trong thời gian sắp tới. Với xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ hiện nay thì người lao động sắp tới sẽ chủ yếu lao động bằng trí tuệ, điều khiển tự động hóa, công nghệ cao, ít lao động chân tay nên sẽ có đủ sức khỏe để kéo dài tuổi lao động, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.

Chưa bao giờ dễ dàng...

Dù không phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng nhìn nhận ở góc độ thực tế, nhiều ĐBQH đã chỉ ra những điểm cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trong đề xuất của Chính phủ.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi ở nước ta thì người trong độ tuổi lao động lại đang dư thừa. Thậm chí, nếu không tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn hàng năm thì còn không biết giải quyết việc làm thế nào. Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhất là lao động phổ thông, cán bộ, công chức, viên chức bình thường; không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ.

Nên chăng, chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ đến 58 tuổi và với nam là 62 tuổi. Nêu đề xuất này, ĐB Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh, đây là nguyện vọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường. Bên cạnh đó, với những đối tượng đến tuổi hưu như luật hiện hành mà làm việc năng suất không cao, “sáng vác ô đi, chiều vác ô về” nhưng vẫn ở mức hoàn thành nhiệm vụ mà lại không muốn nghỉ hưu, chờ đến đúng tuổi mới chịu nghỉ thì theo ĐB Phạm Văn Hòa, nên quy định tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được quyền cho nghỉ hưu để ưu tiên vị trí việc làm đó cho tuổi trẻ nhiệt huyết, có năng lực hơn để đảm đương nhiệm vụ. Quy định như vậy cũng sẽ có tác dụng kích thích người cao tuổi làm việc có năng suất, nếu không muốn nghỉ hưu trong tuổi theo lao động bình thường.

“Tôi vẫn còn băn khoăn và đề nghị Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ hơn”, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nói và chỉ rõ: Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng đang rất khó khăn. Theo thống kê, cả nước mỗi năm vẫn có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Một trong những lý do để Chính phủ đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang tăng lên nhưng thực tế, bệnh tật cũng ngày càng nhiều. Hơn nữa, đặc thù lao động nước ta hiện nay vẫn phần lớn là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp với việc tiếp tục làm việc khi tuổi đã cao. Thực tế bản thân người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Dẫn lại đánh giá của một số chuyên gia cho rằng, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội, ĐB Ma Thị Thúy cũng đặt câu hỏi: Tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật liệu có là gánh nặng cho ngân sách nhà nước hay không? Vì mức lương của những người lao động đến tuổi nghỉ hưu theo luật hiện nay là rất cao trong hệ thống thang bảng lương của Nhà nước. “Đây là một nội dung cơ bản, quan trọng ảnh hưởng và liên quan đến quyền lợi và lợi ích của người lao động. Nếu được, tôi đề nghị xin ý kiến nhân dân nội dung Điều 170 về tuổi nghỉ hưu; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động thêm 5 vấn đề: Lực lượng, cơ cấu lao động; chế độ hưu trí; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; thể lực và trí lực; ý chí, nguyện vọng của người lao động làm căn cứ cho việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu”, ĐB Ma Thị Thúy kiến nghị.

Tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là việc dễ dàng. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các nước trên thế giới khi tăng tuổi nghỉ hưu cũng đều vấp phải sự phản ứng của người lao động nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài các nước đều phải quyết định. Dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo cơ sở, niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động khi Bộ luật được ban hành. Công tác truyền thông, giải thích cho người lao động hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu phải được thực hiện bài bản, cặn kẽ và thấu đáo hơn để từ đó đạt được sự đồng thuận và ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu. 

Nguyễn Bình