Hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng không còn phù hợp

- Thứ Bảy, 08/06/2013, 08:43 - Chia sẻ
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia… là những mục tiêu cơ bản của chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Theo đó, đòi hỏi hạn mức trả tiền bảo hiểm phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của xã hội. Xung quanh vấn đề này, PV Báo ĐBND đã có cuộc trao đổi với ĐBQH ĐINH XUÂN THẢO - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ĐBQH TRẦN DU LỊCH - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

- Theo Luật BHTG 2012, hạn mức trả tiền bảo hiểm không còn đóng khung là 50 triệu đồng như Nghị định 109/2005/NĐ-CP mà xác định Thủ tướng sẽ quy định hạn mức theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo Đại biểu, quy định như vậy có ý nghĩa ra sao?

ĐBQH ĐINH XUÂN THẢO: Việc Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ có ý nghĩa quan trọng tạo ra sự linh hoạt và dễ điều chỉnh. Bởi nếu quy định cụ thể hạn mức chi trả ngay trong Luật thì khi những yếu tố ảnh hưởng tới hạn mức chi trả thay đổi, quy định đó sẽ dễ trở nên lạc hậu. Việc điều chỉnh luật cũng khó khăn nếu như phải thay đổi hạn mức.

ĐBQH TRẦN DU LỊCH: Việc quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô, thực trạng của hoạt động tín dụng và BHTG như: GDP bình quân đầu người; mức độ rủi ro của hệ thống tín dụng; lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính; tỷ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trong số những người gửi tiền được bảo hiểm; số tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm; tỷ lệ hạn mức trên GDP bình quân đầu người. Chính vì vậy nếu quy định 1 khung cứng như trước đây sẽ không tạo được sự linh hoạt, khó đáp ứng nhanh với tình hình thực tế và nguyện vọng của người gửi tiền khi những yếu tố đó có sự thay đổi. Thế nhưng, mặc dù Luật đã có quy định như vậy song đến nay Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm nên vẫn áp dụng mức 50 triệu đồng.

- Các yếu tố ảnh hưởng tới hạn mức trả tiền bảo hiểm trong những năm qua có sự thay đổi lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc áp dụng hạn mức 50 triệu đồng như hiện nay đã không còn phù hợp, thưa Đại biểu?

ĐBQH ĐINH XUÂN THẢO: Nước ta đang áp dụng mức chi trả theo Nghị định 109/2005/NĐ - CP là 50 triệu đồng. Hạn mức đó cho tới nay là quá thấp không còn phù hợp vì GDP bình quân đầu người ở nước ta so với năm 2005 đã tăng lên cũng như tình hình thị trường tài chính đã có sự biến đổi. Việc giữ nguyên hạn mức trả tiền bảo hiểm như vậy khó duy trì được niềm tin của người dân, đặc biệt đối với những người gửi nhiều tiền. Vì vậy, nên sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên để vừa phù hợp với sự thay đổi lớn của các yếu tố làm căn cứ xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm vừa củng cố niềm tin của công chúng có tiền gửi vào ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cũng như góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ tiến hành những cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

ĐBQH TRẦN DU LỊCH: Ngay thời điểm xây dựng Luật BHTG, tôi đã cho rằng, Việt Nam duy trì mức BHTG là 50 triệu đồng quá lâu, như vậy sẽ không hợp lý. Mặc dù xuất phát từ một số nguyên nhân như Quỹ BHTG còn nhỏ và vào thời điểm làm Luật thì cơ quan BHTG cho biết, số tiền chi trả bảo hiểm chủ yếu là cho các hợp tác xã, các tổ chức tín dụng rất nhỏ. Quan trọng là số tiền ấy không đáng kể so với tổng số quỹ BHTG. Lúc đó có nhiều ý kiến đề nghị phải nâng lên gấp 3 lần tức là 150 triệu đồng, thậm chí đề nghị lên 200 triệu đồng. Trong mấy năm qua và đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn chạy đua lãi suất và người dân vẫn tiếp tục gửi tiền dù biết rằng rủi ro cao. Bởi Chính phủ đã cam kết không để ngân hàng phá sản nên người gửi tiền cũng không lo sợ gì vấn đề bị mất tiền, phải chăng vì thế mà hạn mức trả  tiền bảo hiểm vẫn chưa tăng?

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, có thể nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên cao hơn cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại để tạo sự an toàn và yên tâm hơn cho người gửi tiền. Bên cạnh đó, tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng tránh được nguy cơ rút tiền hàng loạt gây đổ vỡ, đồng nghĩa với việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm càng cao thì nguy cơ phải trả tiền bảo hiểm do sự sụp đổ của các tổ chức tín dụng càng thấp.

- Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm là cần thiết. Xin Đại biểu cho biết, tăng như thế nào là phù hợp?

ĐBQH ĐINH XUÂN THẢO: Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm là cần thiết nhưng tăng như thế nào thì cần tính toán và có lộ trình thích hợp. Khó có thể tăng nhanh hay quá cao trong thời điểm hiện tại vì như vậy rất dễ gây rủi ro đạo đức. Khi đó cả người gửi tiền và người nhận tiền gửi đều chủ quan, ỷ lại vào BHTG mà không quan tâm đến sự hoạt động lành mạnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trước mắt có thể tăng lên 200 triệu đồng và sau 3 - 5 năm tăng lên mức 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó cũng căn cứ vào thực tiễn mà tăng cho phù hợp. Thời gian qua ở nước ta trong điều kiện bình thường vẫn áp dụng hạn mức chi trả “có giới hạn” căn cứ vào thị trường tiền tệ và GDP bình quân đầu người, thông thường bằng 5 - 10 lần GDP/ người. Hạn mức trả tiền bảo hiểm “không có giới hạn” được áp dụng trong thời kỳ nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính, tiền tệ có khủng hoảng. Đơn cử như ở Mỹ khi bình thường chỉ chi trả đến 100 ngàn USD nhưng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính có thể chi trả đến 250 ngàn USD. Do vậy, cần phải xem xét tình hình thực tiễn để đưa ra mức tăng cho phù hợp.

ĐBQH TRẦN DU LỊCH: Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phải căn cứ vào thông lệ quốc tế, trong điều kiện bình thường sẽ tăng bao nhiêu phần trăm so với GDP bình quân đầu người. Bên cạnh đó, tăng hạn mức cũng phải theo nguyên tắc BHTG là bảo hiểm phục vụ cho số đông người gửi tiền, làm sao để bảo vệ được tiền tiết kiệm của đại bộ phận dân cư. Tôi ví dụ như đại đa số người dân có tiền tiết kiệm ở mức 200 triệu thì nên nâng hạn mức chi trả BHTG lên 200 triệu. Tôi cũng cho rằng không nên tăng quá cao, mà cần phải có lộ trình cụ thể cũng như dựa trên cơ sở cân đối các yếu tố có liên quan, nhưng mức 50 triệu giờ đã quá lạc hậu, không thể duy trì mãi mức này được.

- Xin cảm ơn Đại biểu!

Trang - Thúy thực hiện