Cần xem xét điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm

- Thứ Bảy, 02/11/2013, 08:23 - Chia sẻ
Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2013 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Liên quan đến quá trình triển khai thực hiện Luật, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH CAO SĨ KIÊM - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

- Trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đang được triển khai mạnh mẽ, Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng: bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia, củng cố niềm tin của người dân… Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Đúng là như vậy. Cùng với các công cụ bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia khác, việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức BHTG phát huy tốt hơn vai trò ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng và nâng cao niềm tin công chúng. Nếu như trước kia, một số kênh đầu tư phổ biến được người dân ưa chuộng như: bất động sản, chứng khoán, vàng thì hiện nay, họ cảm thấy yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng với mục tiêu an toàn - hiệu quả. Luật BHTG là nền tảng pháp lý giúp người dân có niềm tin vào đồng tiền gửi tại ngân hàng, tránh gây xáo động trong hệ thống tài chính - ngân hàng ngay cả trong trường hợp xấu nhất khi xảy ra sự cố đổ vỡ hay mất khả năng chi trả, mua bán - sáp nhập.

BHTG Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giám sát rủi ro, duy trì an toàn hoạt động ngân hàng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động và hệ thống ngân hàng đang tái cấu trúc mạnh mẽ hiện nay, có thể nói, BHTG Việt Nam với hệ thống cơ chế, cách điều hành, mô hình tổ chức bài bản theo thông lệ quốc tế đã đáp ứng khá kịp thời, hiệu quả các yêu cầu đặt ra của thị trường.

- Hạn mức trả tiền bảo hiểm là một nội dung dành được nhiều quan tâm từ công chúng. Ông đánh giá thế nào về hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện tại?

- Có thể nói, hạn mức trả tiền bảo hiểm là yếu tố có tác động không nhỏ đến tâm lý và hành vi người gửi tiền. Hạn mức thấp có thể làm suy giảm niềm tin công chúng, dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt khi xảy ra biến cố trong hệ thống ngân hàng. Ngược lại, nâng cao hạn mức trả tiền bảo hiểm đồng nghĩa với việc củng cố niềm tin của người gửi tiền, qua đó góp phần đẩy mạnh huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào hệ thống ngân hàng và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc quy định linh hoạt hạn mức trả tiền bảo hiểm sao cho phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của người gửi tiền là một yêu cầu quan trọng đặt ra hiện nay.

Hiện nay, nếu tính đến các yếu tố kinh tế vĩ mô như: rủi ro hoạt động ngân hàng gia tăng, GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính… bên cạnh việc lượng người gửi tiền với số dư tiền gửi ngày một gia tăng thì hạn mức trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng được áp dụng từ năm 2005 cho tới nay là không còn phù hợp nữa.

- Ông có đề xuất gì về việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm?

- Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, lạm phát cao, nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như hiện nay, vấn đề điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được xem xét nhằm duy trì niềm tin công chúng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ tiến hành cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cần dựa trên cơ sở các yêu cầu và thích nghi với trình độ phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trong từng thời kỳ. Trong trường hợp xảy ra sự cố, ưu điểm lớn nhất của việc hạn mức trả tiền bảo hiểm thấp là có thể giải quyết được nhu cầu của số đông, tức là đảm bảo chi trả được cho một lượng người gửi tiền lớn, qua đó tránh được tình trạng rút tiền hàng loạt có thể đe dọa ổn định của hệ thống ngân hàng cũng như toàn thể nền kinh tế.

Trong thời gian tới, BHTG Việt Nam cần tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo xu hướng tăng lên để phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần củng cố hơn nữa niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

- Theo Luật BHTG, Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia BHTG. Ông nhận định như thế nào về việc chuyển từ hệ thống phí đồng hạng hiện hành sang tính phí theo rủi ro?

- Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng mô hình tính phí BHTG trên cơ sở rủi ro, qua đó phản ánh xác thực tình trạng và “sức khỏe” tài chính của các tổ chức thành viên. Chính vì vậy, việc áp dụng khung phí BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia BHTG là hoàn toàn phù hợp với thông lệ và quy chuẩn quốc tế, giúp BHTG Việt Nam và các cơ quan giám sát có cái nhìn tổng thể và chính xác nhất về các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định này, bên cạnh các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và chuẩn quốc tế, cần tăng cường cơ chế phối kết hợp và chia sẻ thông tin giữa BHTG Việt Nam với các cơ quan giám sát khác như: Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính hay đẩy mạnh khai thác nguồn tin từ các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Đó là cơ sở vững chắc để đánh giá các tổ chức tín dụng, qua đó có thể xác định được mức phí BHTG phù hợp với từng đối tượng.

- Xin cám ơn Ông!

Nam Hải thực hiện