Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Nhiều ý kiến góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

- Thứ Năm, 06/01/2022, 16:46 - Chia sẻ
Sáng ngày 6.1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tham gia phát biểu tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XV tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn nhận định về một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, theo Điều 25 Luật Đầu tư công, các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công thì phải trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần: (i) xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và (ii) quyết định chủ trương đầu tư.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản quyết định điều chỉnh. Đối với các Chương trình, dự án nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thường có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân) nếu thực hiện quy trình trên thì sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 3 lần (tính cả điều chỉnh) dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ dẫn đến việc phải gia hạn hiệp định. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XV tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu về trong phiên thảo luận tại tổ

Bên cạnh đó, Chính phủ trình theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Đại biểu Trần Đình Văn cũng cơ bản nhất trí với Tờ trình và phương án do Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị phân cấp mạnh hơn và chỉnh lý lại bảo đảm chính xác hơn.

Tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, điều 12, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo đại biểu Trần Đình Văn nhận định một số tồn tại vướng mắc, bất cập: Theo điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với: “Dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài...”. Tương tự về phân quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, việc đẩy mạnh phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết. Trên cơ sở đó, cần thiết phải sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C.

Phát biểu ý kiến liên quan đến việc sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, trong thực tiễn thi hành hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được và cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung... Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi Luật Điện lực với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện. Tuy nhiên, đề nghị ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như Tờ trình của Chính phủ, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều khác có liên quan trong Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi; Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị sửa đổi toàn diện, tổng thể Luật Điện lực theo kế hoạch.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng tham gia ý kiến về một số nội dung khác về Luật Điện lực gồm: quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện (Điều 40); về giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện; về việc bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư..

Phạm Phương