Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội):

Chưa đề cập nhiều đến khám chữa bệnh từ xa

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 16:00 - Chia sẻ

Đánh giá cao ban soạn thảo chuẩn bị từ xa, từ sớm, qua đó đã lấy được nhiều ý kiến chất lượng, tham vấn được nhiều chuyên gia vào dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để trình Quốc hội lần này. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng, dự án Luật sửa đổi luật lần này đề cập đến khám, chữa bệnh từ xa còn ít!

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã trải qua rất nhiều hội nghị lấy ý kiến, tổng hợp tương đối đầy đủ các đóng góp của chuyên gia, cử tri… đặc biệt là tại Ủy ban Xã hội, tại Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo, mọi ý kiến đóng góp nghiêm túc, chất lượng, thể hiện sự quan tâm lớn của cử tri cả nước cũng như xã hội đối với lĩnh vực.

Luật sửa đổi lần này đề cập đến khám chữa bệnh từ xa còn ít! -0
ĐBQH Nguyễn Anh Trí trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội

“Tôi nhận thấy dự án luật lần này, về cơ bản đã khắc phục được tương đối những bất cập, vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh, quản lý khám, chữa bệnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cá nhân tôi, tôi thấy Luật sửa đổi lần này vẫn có một số điểm chưa phù hợp vì liên quan đến một số đạo luật khác, mà để làm phù hợp thì cần phải sửa đổi như Luật Bảo hiểm y tế; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá", đại biểu Trí cho biết.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí còn băn khoăn một điều rất lớn, đó là dự án sửa đổi luật lần này đề cập đến khám, chữa bệnh từ xa còn quá ít. “Việc này tôi đã có ý kiến nhiều lần trong các hội nghị, cuộc họp của Ủy ban Xã hội nhưng việc bổ sung là quá ít, không đủ bao trùm lên những yêu cầu, của thực tiễn khi áp dụng khám, chữa bệnh từ xa. Tôi có cảm giác thời lượng dành cho nội dung này còn hạn chế, điều đó sẽ làm chậm lại công tác khám chữa bệnh từ xa vốn đang có xu hướng diễn ra ngày càng phổ biến". Cũng theo đại biểu, việc này làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số và hơn nữa còn làm hạn chế khả năng hội nhập của ngành y tế, qua đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Nếu ngành y chuyển đổi số được, thì bác sỹ mới khám chữa bệnh từ xa được. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi không có nền y học phát triển, không có thầy thuốc tay nghề cao vẫn có thể tiếp cận y học tiên tiến và quan trọng hơn cả là được khám, chữa bệnh bởi những thầy thuốc giỏi. Lúc ấy, chất lượng khám chữa bệnh cũng tốt lên rất nhiều.

“Tôi muốn nhắc lại đây không phải vấn đề của tương lai đâu xa, mà đã hiện hữu trước mắt. Đấy là còn chưa kể khám chữa bệnh từ xa chắc chắn sẽ phát triển nhanh, mạnh mẽ trong vòng 5-10 năm tới”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Cần khuyến khích chuyên gia sang Việt Nam khám chữa bệnh

Tôi được biết trong dự thảo luật lần này đã có quy định: Người nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam thì cần phải thành thạo tiếng Việt, và nếu không thành thạo thì phải có phiên dịch. Tôi cho rằng quy định như vậy là hợp lý!

Có ý kiến băn khoăn về sự có mặt của người phiên dịch trong những thời điểm quan trọng của chuyên môn ngành y, điều đó cũng không sai. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện thành thạo ngôn ngữ, thật ra chuyên gia đó sử dụng được ngôn ngữ bản địa được là tốt nhất, hiệu quả nhất. Nếu không có thì cũng không phải việc lớn lắm, bởi chỉ cần chuyên gia và phiên dịch phải đồng hành cùng bác sỹ trong suốt hành trình chuyên môn là được. Vì trong ngành y, việc sử dụng phiên dịch khi mời chuyên gia qua khám, chữa bệnh cũng là câu chuyện phổ biển ở các bệnh viện, trường học.

“Trong khám, chữa bệnh hơi khác một chút. Đánh giá khám, chữa bệnh,  phải đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh. Một người thầy thuốc nước ngoài qua Việt Nam thăm khám thì điều đó đương nhiên phải bao gồm hoạt động phiên dịch và người phiên dịch phải đồng hành toàn thời gian với chuyên gia”.

Nam Anh (ghi)
#