Tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh trục lợi chính sách

- Thứ Tư, 05/01/2022, 06:37 - Chia sẻ
Thảo luận tại phiên họp tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bị chậm trễ. Các ĐBQH cũng đề nghị, Chính phủ cần làm rõ một số nội dung trong Tờ trình, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để bảo đảm phát huy hiệu quả và tính lan tỏa của chính sách.

Giữ cho được niềm tin của người dân

Theo các ĐBQH, việc sớm ban hành và triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025; không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Chính phủ chuẩn bị khá kỹ lưỡng và toàn diện, đặc biệt không chỉ đưa ra mục tiêu, giải pháp mà còn có các phương án huy động nguồn lực cụ thể. Tờ trình và Đề án của Chính phủ cũng đã đúc rút kinh nghiệm quý báu từ những sai lầm trong triển khai gói kích thích kinh tế trước đây và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, một quan điểm quan trọng được chỉ ra là chính sách tài khóa thực hiện không dàn trải, đầu tư dứt điểm để có sản phẩm sử dụng ngay. Nhấn mạnh trong một thời gian ngắn mà chọn giải pháp đúng và trúng là không đơn giản, nên với ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội), cùng với ủng hộ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp bất thường, thì cần giao Chính phủ điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Ở góc độ khác, phân tích tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ nếu được triển khai, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc triển khai những chính sách này có gây bất ổn kinh tế vĩ mô là vấn đề được nhiều ĐBQH và chuyên gia kinh tế trăn trở. Trong khi đó, từ năm 2015 đến nay, nước ta đã thực hiện rất tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, và việc kiểm soát lạm phát dưới mức 4% đã tạo nền tảng ổn định, tăng niềm tin của người dân vào giá trị đồng tiền Việt Nam, giữ tỷ giá ổn định. “Khi triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chúng ta cần giữ cho được niềm tin này, giữ để kinh tế vĩ mô luôn ổn định”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chắc chắn sẽ làm tăng bội chi ngân sách, vì ngay dự kiến chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 đã cần điều chỉnh tăng thêm. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu gói hỗ trợ phát huy hiệu quả sẽ giúp tăng thu ngân sách và góp phần làm tăng GDP, nên nếu tính số tương đối bội chi/GDP thì sẽ không có biến động lớn. Nói cách khác, triển khai gói hỗ trợ này sẽ làm tăng bội chi, nhưng tác động của bội chi trên GDP sẽ không có thay đổi lớn nếu các chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng.

Đánh giá tác động ở nhiều mặt

Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm, các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Do vậy, trong thảo luận tại Tổ, nhiều ĐBQH đề nghị, cần đánh giá tác động của chính sách theo hướng đánh giá tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực khác nhau, tránh đánh giá tác động một chiều. Bởi việc soi chiếu các chính sách này ở nhiều chiều cạnh khác nhau sẽ giúp chúng ta thận trọng hơn, có giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả hơn, nhất là trong việc xác định các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện.

Mặt khác, việc triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ đứng trước một số rủi ro khi gây tăng bội chi, nợ công, trách nhiệm trả nợ của Chính phủ… Do đó, nhiều ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần giải trình bổ sung về một số nội dung trong Tờ trình. Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Chính phủ phải báo cáo cụ thể hơn việc bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 (khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, vì người khó khăn nhất, thực sự cần hỗ trợ không phải lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, mà là những người mới di chuyển từ quê đến các đô thị, trong đó có nhiều lao động phi chính thức.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị, trong chi cho phòng, chống dịch thì nội dung chi đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương cần được giải trình thêm. Bởi, trong thực hiện công tác này, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở đang là nhu cầu cấp bách và cần được tập trung đầu tư hơn so với xây mới công trình y tế. Ngoài ra, trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian tới cần tập trung vào các điểm nóng, thay vì đầu tư dàn trải cho tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Những điểm nóng trong phòng, chống dịch không nhất thiết là thành phố lớn hay địa bàn khó khăn. Nơi nào cần thiết thì phải đầu tư cho khu vực đó”, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Còn ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị, Chính phủ cần làm rõ hơn các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay từ gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bởi, hiện nay số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ rất cao so với tổng các doanh nghiệp tại Việt Nam và số lao động nằm trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ này cũng rất lớn.

Để bảo đảm hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đã yêu cầu, trong quá trình thực thi cần bảo đảm công khai, minh bạch, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức xã hội, để ngăn chặn xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Bởi, như nhận định của ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), hiện nay không chỉ có lây lan của dịch Covid - 19, cũng có hiện tượng "lây lan" hành vi trục lợi chính sách. Điều này đòi hỏi Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, trong đó sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó, chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô.  

Thanh Hải