Việc khuyến khích dùng hàng Việt sau một năm hưởng ứng Cuộc vận động của Bộ Chính trị Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã đạt được những kết quả khả quan. Chương trình góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hoá trong nước, đẩy lùi hàng kém chất lượng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa trong bối cảnh thị phần xuất khẩu đang bị thu hẹp lại. Đây là những tín hiệu tốt để tạo đà tiếp tục triển khai chương trình trong thời gian tới. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc bình ổn giá cả và đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
Theo kết quả điều tra gần đây của công ty TV Plus, hiện có hơn 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng trong nước, trong khi cách đây một năm tỷ lệ này chỉ khoảng 23%. Có thể một số mặt hàng cùng loại của Việt Nam giá cao hơn hàng nhập khẩu, nhưng nhìn chung, hàng sản xuất trong nước có giá mềm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm ngoại tệ, ổn định hơn mặt bằng giá.
Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, những thành phố có tác động nhiều đến chỉ số CPI còn có thêm Chương trình bình ổn giá. Việc lồng ghép hai chương trình giúp người tiêu dùng được mua hàng với giá rẻ hơn.
Triển khai Cuộc vận động, doanh nghiệp được lợi kép khi vừa có thêm khách hàng trong nước, vừa tạo dựng, hoặc ít nhất là định hình tạo dựng một hệ thống phân phối cho riêng mình. Lâu nay, điều khiến nhiều địa phương lo lắng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc được chuyển về nông thôn, và không thể kiểm soát chất lượng cũng như giá cả. Với chương trình này, chất lượng hàng hóa được cải tiến rõ nét, giá cả được kiểm soát tốt hơn, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa với giá cả hợp lý, góp phần kiểm soát tăng chỉ số giá tiêu dùng. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn giá, chương trình này cần được triển khai sâu, bám vào các huyện, thị, nhất là những vùng xa trong nước thì doanh nghiệp mới có điều kiện để đưa được những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Trong các giải pháp thực hiện bình ổn giá, thì có biện pháp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa giữa các vùng miền trong cả nước; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại, giảm giá, hỗ trợ vốn, lãi suất để doanh nghiệp dự trữ hàng, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng bình ổn giá và có sự kiểm soát chặt chẽ. Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quản lý và Đào tạo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Tài nhìn nhận, bình ổn giá là cần để chống lạm phát. Nhà nước xưa nay vẫn nắm trong tay một số mặt hàng chủ chốt chiến lược như xăng dầu, điện nước và một số mặt hàng lớn. Cái gì Nhà nước phải nắm thì nắm, cái gì mà tư nhân làm được thì nên để họ làm. Đây cũng là một hình thức tăng cung để hạn chế tăng giá.
Như vậy, rõ ràng việc triển khai chủ trương Người Việt dùng hàng Việt mang lại nhiều lợi ích cả vi mô và vĩ mô, trong đó có góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. Bình ổn giá không chỉ đi trực tiếp vào giá mà cần sử dụng tổng hợp những giải pháp từ sản xuất đến lưu thông, từ chi phí sản xuất đến giá. Đồng thời, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho để tránh đầu cơ, găm hàng, đẩy giá.