Theo Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 23.1, cả nước có khoảng 98% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, trong đó 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Xét riêng từng ngành, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong ngành giáo dục và đào tạo chiếm 37% tổng số các DNNVV trong ngành này; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 31%; ngành xây dựng là 10% và khai khoáng là 12%.
Mặc dù xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều DNNVV đã tăng trưởng trong năm 2020, ít nhất là về số lượng lao động. Nhìn chung, tổng số lao động của DNNVV do nam giới làm chủ và DNNVV do phụ nữ làm chủ ở thời điểm cuối năm đều tăng 3% so với thời điểm đầu năm 2020.
DNNVV ở miền Bắc, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ, tăng trưởng mạnh hơn so với DNNVV ở miền Nam. Có nhiều lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống bị sa thải, trong khi đó, số lượng việc làm lại gia tăng mạnh ở các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, điều hòa không khí; xây dựng; giáo dục và đào tạo.
Một điểm thú vị khác là mặc dù phụ nữ chỉ sở hữu 20% DNNVV, nhưng lao động nữ chiếm hơn 38% lực lượng lao động của tất cả các DNNVV.
Về hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ, chỉ có 4% tổng số DNNVV do phụ nữ làm chủ tự đánh giá là năng động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, và gần một nửa trong số đó nhận được ít nhất một loại hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ lệ DNNVV do phụ nữ làm chủ ở vùng đồng bằng sông Hồng nhận được hỗ trợ nhiều hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp này ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo Sách trắng, chỉ có 3% tổng số DNNVV do phụ nữ làm chủ có sản phẩm hoặc dịch vụ đạt thương hiệu quốc gia; 1% tổng số doanh nghiệp này có sản phẩm hoặc dịch vụ đạt thương hiệu quốc tế. Các doanh nghiệp này tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng nhiều hơn so với ở vùng Đông Nam Bộ.
Khoảng 6% DNNVV do phụ nữ làm chủ quy mô vừa có sản phẩm hoặc dịch vụ đạt thương hiệu quốc gia, và 2% doanh nghiệp quy mô vừa có sản phẩm hoặc dịch vụ đạt thương hiệu quốc tế, chủ yếu thuộc ngành bán buôn và bán lẻ.
Doanh nghiệp có sản phẩm được chứng nhận chất lượng là phổ biến hơn, trong đó 10% DNNVV do phụ nữ làm chủ có sản phẩm được chứng nhận chất lượng quốc gia hoặc quốc tế. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng quốc gia tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành thương mại, dịch vụ lưu trú và giáo dục, đào tạo
Có khoảng 13.040 DNNVV do phụ nữ làm chủ (12%) thực hiện đổi mới sáng tạo, trong đó 19% nhận được một hoặc nhiều loại hình hỗ trợ từ Nhà nước; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận được hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn các vùng khác.
Có 28% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thực hiện một hoặc nhiều hình thức chuyển đổi số, mặc dù chưa đến một nửa trong số đó có một kế hoạch chuyển đổi số. Điểm thú vị là có gần 9.000 DNNVV do phụ nữ làm chủ đang phát triển các mô hình thương mại điện tử hoặc kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức chuyển đổi số phổ biến nhất lại liên quan đến “tài liệu quản trị doanh nghiệp” và phần mềm mới.
Sách trắng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là ấn phẩm nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về khu vực DNNVV do nữ làm chủ được lồng ghép thu thập từ Tổng Điều tra kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông mong muốn, các phát hiện và khuyến nghị của Sách trắng sẽ là những thông tin hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan nghiên cứu, tham khảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nhân nữ phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò của khu vực này; qua đó góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và phát triển bền vững của quốc gia.