Cần sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn về chính sách tiền tệ
Phát biểu thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: Mặc dù, trong 3 năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường nhưng an ninh quốc phòng trong nước vẫn ổn định, công tác đối ngoại phát triển. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở trong nước đã bị ảnh hưởng.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã rất khó khăn để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Dự báo, tình hình này còn tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn còn cao nên doanh nghiệp còn gặp khó khi tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động của dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh như bằng cách giảm lãi suất cho vay.
Nhất trí quan điểm trên, ĐBQH Lê Quân cho rằng, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn về chính sách tiền tệ như hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để họ có thể tính toán cân đối kinh doanh và tránh rủi ro trong sản xuất. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và phát triển thì mới có thể tạo công ăn việc làm và “giữ chân” được lao động làm việc cho doanh nghiệp đó.
Ngoài giải pháp trên, đại biểu Lê Quân còn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quân, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Vì vậy, Quốc hội nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 1.7.2024 hoặc hết năm 2024.
Nên kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng
Đồng thuận với việc giảm thuế giá trị gia tăng, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, trong năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận tại Tổ, nhiều ĐBQH còn đóng góp ý kiến vào Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận tại Tổ 1, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với các nội dung đưa ra. Những ý kiến, đề xuất đóng góp sẽ được Tổ Thư ký tổng hợp đầy đủ trước khi trình lên Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung tại Hội trường.