Dữ liệu tài chính hợp nhất quý 3.2023 cho biết, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, Mã chứng khoán: OCB) có lợi nhuận đạt 1.355 tỷ đồng, tăng đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó khoản thu nhập chính của ngân hàng này là lãi thuần đạt 1.865 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Một số khoản kinh doanh ngoài lãi tại OCB cũng ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt kinh doanh ngoại hối tăng đột biến 239% lên 174 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư cũng có sự chuyển đổi từ lỗ trong kỳ trước sang lãi ở kỳ này, lần lượt 0,4 tỷ đồng và 219 tỷ đồng.
Trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động tại OCB ghi nhận tăng 19% lên 2.468 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động gần như đi ngang so với năm ngoái. Do đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại OCB đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 31%.
Cùng với việc cắt giảm dự phòng rủi ro tín dụng còn 311 tỷ đồng, do đó ngân hàng này có lãi quý 3 đạt 1.355 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ - trở thành nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 3.2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại OCB đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30.9.2023, tổng tài sản của OCB mở rộng 11,7% so với hồi đầu năm, đạt gần 216.800 tỷ đồng. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9,8%, lên gần 131.500 tỷ đồng.
Bên cạnh tăng trưởng lợi nhuận và cho vay khách hàng, chất lượng cho vay là điều đáng quan tâm đối với OCB. Bởi lẽ, cả ba nhóm nợ xấu của OCB đều tăng sau 9 tháng khiến tổng nợ xấu của OCB đến thời điểm 30.9.2023 gần 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất và chiếm đa số trong tổng nợ xấu. Cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu của OCB đang ở mức 3,8%.
Thực tế, vấn đề nợ xấu của OCB đã nổi lên khi kết thúc quý 1.2023, thời điểm đó, mặc dù OCB công bố đã xử lý được nợ của FLC và Đại Nam tuy nhiên số dư nợ xấu tính đến cuối quý 1/2023 của nhà băng này đã tăng 51% so với đầu năm, lên gần 4.045 tỷ đồng.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tại OCB tăng 54%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã bị kéo tăng từ 2,2% lên 3,3% - thuộc top cao nhất hệ thống.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từngđặt "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...
Liên quan đến các khoản nợ tại OCB, nhà băng này từng gây xôn xao với các khoản nợ của hai doanh nghiệp lớn là Đại Nam và FLC. Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên của OCB được tổ chức hồi tháng 4.2022, lãnh đạo OCB từng cho biết, tổng dư nợ nhà băng này cho Tập đoàn Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng vay là trên 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Đại Nam đã trả được cho OCB 450 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, OCB cũng đang là một trong ba ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý 1.2022, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này.
Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, cổ đông OCB đã chất vấn ban lãnh đạo về khoản vay của FLC và Đại Nam. Đại diện ngân hàng cho hay, toàn bộ danh mục nợ của hai doanh nghiệp nói trên đã thu hồi xong.