Duy trì chính sách cho đối tượng rút bảo hiểm xã hội một lần
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được lấy ý kiến tại hội nghị TXCT là cán bộ công đoàn và công nhân lao động do Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành tổ chức. Bên cạnh tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm, trốn đóng BHXH, vấn đề hưởng BHXH một lần được đông đảo cử tri và các ĐBQH quan tâm. Tại hội nghị TXCT là công nhân lao động do Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã được cử tri quan tâm, phản ánh.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lập Thạch Vũ Minh Tuấn, người lao động rút BHXH một lần vì chưa tin tưởng vào quyền lợi mà BHXH mang lại; sợ bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng sớm không thể đợi đến ngày về hưu, trong khi mức thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Để giải quyết được bài toán trên, Quốc hội nên xem xét bổ sung các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những người lao động để hạn chế việc rút BHXH một lần. Đồng thời, quan tâm có các quy định và giải pháp tổng thể bảo vệ quyền lợi người lao động khi rút BHXH một lần.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol Hà Nội Tô Mạnh Linh cho rằng, chính sách cho người lao động rút BHXH một lần cần được duy trì và không phân biệt trước hay sau khi có Luật sửa đổi, vì đây là quyền lợi chính đáng của người lao động. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc, công bằng của BHXH được nêu trong quan điểm xây dựng Luật, cũng như mục tiêu, ý nghĩa về chính sách BHXH. Hơn thế nữa, việc dừng chính sách rút BHXH một lần có thể càng dẫn đến tâm lý quan ngại của người dân đối với Quỹ BHXH. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành Quỹ nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Đáng chú ý, cử tri nhiều địa phương trong cả nước cũng kiến nghị, Quốc hội xem xét, bổ sung chế độ trợ cấp gia đình trong quá trình sửa đổi Luật nhằm khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, nhiều ý kiến, kiến nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm như: tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để giảm thiểu tình trạng người lao động chọn rút một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau…
Có giải pháp giữ người lao động ở lại
Trên thực tế, nhiều lao động nghỉ hưu chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng - do cách tính tiền lương hưu hiện nay là bình quân cả quá trình đóng BHXH nên rất thấp. Bên cạnh đó, đa số người lao động từ các miền quê lên thành phố làm việc. Những người này xem BHXH như tiền tiết kiệm. Vì thế, họ thường tính toán để nhận BHXH một lần do phải chờ đợi quá lâu mới đủ tuổi để nghỉ hưu.
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, một số ĐBQH đánh giá, việc giảm thời gian bắt buộc đóng BHXH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm “chạm” đến lương hưu. Hơn nữa, việc này cũng sẽ giảm được tình trạng rút BHXH một lần, bảo đảm người lao động có cuộc sống tốt đẹp hơn khi về già. Đồng thời, góp phần làm giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lưu ý, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động “ồ ạt” rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Số liệu thống kê của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho thấy, tình trạng số người rút BHXH một lần liên tục tăng. Chỉ riêng tháng 4.2024, đã có 121.873 người rút (tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I.2024). Đây là thực trạng không mong muốn vì liên quan mật thiết đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người lao động khi về già. Cụ thể là có lương hưu để bảo đảm đời sống. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu số người rút một lần tiếp tục tăng cao sẽ dẫn đến lo ngại vỡ Quỹ BHXH.
Hiện tại, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thiết kế 2 phương án trình Quốc hội quyết định việc rút BHXH một lần. Theo đó, Phương án 1: người lao động có thời gian đóng BHXH trước khi Luật có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm; Phương án 2: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.
Theo các ĐBQH, mỗi phương án quy định đều có ưu, nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào đều cần có giải pháp để giữ người lao động ở lại hệ thống BHXH hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động để tiếp tục tham gia BHXH. Đây mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Cùng với đó, cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời, nên quy định theo hướng người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó họ chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi hết độ tuổi lao động.