"Sáng sớm nay, dinh thự của ông Ismail Haniyeh tại Tehran đã bị tấn công, khiến ông và một trong những vệ sĩ của ông tử nạn. Nguyên nhân đang được điều tra và sẽ sớm được công bố", IRGC cho biết.
Theo Reuters, trước đó vào ngày 30.7, ông Hanieh đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và gặp gỡ nhà lãnh đạo tối cao của Iran.
Hãng tin nhà nước Al-Arabiya của Ảrập Xêút cũng đưa tin về vụ việc. Theo The Jerusalem Post, các lực lượng nói trên cũng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, quân đội Israel nói với CNN rằng họ "không có nghĩa vụ phản hồi các thông tin trên các phương tiện truyền thông nước ngoài".
Quan chức cấp cao của Hamas Musa Abu Marzuk cho biết, vụ sát hại ông Haniyeh "sẽ bị đáp trả". Còn Tổng thống Palestine Mahmud Abbas gọi cuộc tấn công là "hành động hèn nhát và làm leo thang nghiêm trọng", kêu gọi người Palestine đoàn kết.
Về phần mình, Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vụ việc.
Tin tức này xuất hiện chưa đầy 24 giờ sau khi Israel tuyên bố đã tiêu diệt chỉ huy lực lượng Hezbollah mà họ cho là đứng sau vụ tấn công chết người ở Cao nguyên Golan - sự việc dường như có thể làm chậm lại cơ hội đạt được bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào sắp xảy ra ở Gaza.
Nhân vật ôn hòa
Mặc dù xuất thân từ người theo Hồi giáo dòng Sunni nhưng ông Haniyeh đã có công lớn trong việc xây dựng năng lực chiến đấu và củng cố vị thế chính trị của Hamas, một phần bằng cách vun đắp mối quan hệ với Iran.
"Ông Haniyeh là thủ lĩnh mặt trận chính trị và ngoại giao của Hamas" - Reuters dẫn lời ông Adeeb Ziadeh, chuyên gia về các vấn đề Palestine tại Đại học Qatar.
Khi còn trẻ, Haniyeh là một sinh viên hoạt động tại Đại học Hồi giáo ở thành phố Gaza. Ông gia nhập Hamas khi tổ chức này được thành lập trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine (intifada) năm 1987. Ông đã bị Israel bắt và bị trục xuất trong thời gian ngắn.
Sau đó, ông được người sáng lập phong trào Hamas là Sheikh Ahmad Yassin bảo trợ. Đến năm 2003, ông đã trở thành một phụ tá đáng tin cậy của thủ lĩnh Yassin.
Ông Haniyeh là người ủng hộ Hamas tham gia chính trường từ sớm. Năm 1994, ông nói rằng việc thành lập một đảng chính trị "sẽ giúp Hamas giải quyết được những diễn biến mới xuất hiện". Ban đầu bị lãnh đạo Hamas bác bỏ ý tưởng chính trị hóa phong trào mà ông Haniyeh thúc đẩy, nhưng sau đó đã chấp thuận.
Sau khi trở thành một chính đảng và tham gia các cuộc bầu cử, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006, một năm sau khi quân đội Israel rút khỏi Gaza, đưa ông Haniyeh trở thành Thủ tướng Palestine. Kể từ đó, Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza trong khi lực lượng Fatah của Tổng thống Abbas kiểm soát Bờ Tây.
Vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán ngừng bắn
Vào năm 2012, khi được các phóng viên Reuters hỏi liệu Hamas có từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang hay không, ông Haniyeh trả lời: "Tất nhiên là không". Ông nhấn mạnh cuộc kháng cự sẽ tiếp tục "dưới mọi hình thức - kháng cự của người dân, kháng cự chính trị, ngoại giao và quân sự".
Bất chấp những lời lẽ cứng rắn như trên, thủ lĩnh Haniyeh được nhiều nhà ngoại giao đánh giá ôn hoà hơn so với các lãnh đạo khác của Hamas. Được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao của Hamas vào năm 2017, ông đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán và ngoại giao quan trọng của Hamas, bao gồm các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Thủ lĩnh Hamas từng mất 3 người con và 4 người cháu sau đòn không kích của Israel nhằm vào chiếc xe của họ hồi tháng 4 năm nay. Nhưng khi được hỏi liệu cái chết của con và cháu có khiến ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza giữa Hamas – Israel hay không, ông Haniyeh nói: "Lợi ích của người dân Palestine được đặt lên trên hết".
Vụ việc sẽ tác động như thế nào đến tình hình Gaza?
Trong khi cái chết của thủ lĩnh Haniyeh có thể ảnh hưởng đến tình hình Gaza theo nhiều cách, thì Hamas có lẽ không có khả năng leo thang chiến tranh hơn nữa, nhà phân tích chính trị Simon Frankel Pratt, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Melbourne cho biết. "Cuộc chiến đã tàn phá Gaza, điều này không sai, nhưng nó cũng tàn phá cả Hamas với tư cách là một tổ chức", ông Pratt nhận định.
Về tác động của vụ việc đối với cuộc chiến ở Gaza, ông Pratt cho rằng, đây có thể trở thành "một trong những lý do" để thúc đẩy lệnh ngừng bắn.
Đối với Israel, thủ lĩnh Haniyeh chính là người đứng sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7.10 năm ngoái. “Việc thủ lĩnh Haniyeh không còn nữa giống như việc người dân Israel có thể cảm thấy rằng công lý đã được thực thi và một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến đã đạt được", ông Pratt nói thêm.
Điều này có lợi cho tiến trình đàm phán bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể lấy đó làm cái lý do để "vượt qua những căng thẳng khó khăn trong liên minh cầm quyền hiện tại" trong việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn.
Đối với Hamas, họ có thể muốn bày tỏ sự phẫn nộ về vụ sát hại thủ lĩnh Haniyeh, nhưng họ vẫn có động lực mạnh mẽ để tiếp tục đàm phán. "Cuộc chiến không hề có lợi cho tổ chức Hamas và theo thời gian, tổ chức này phải chịu áp lực quân sự đáng kể", ông nói.
"Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu suy tính một cách thực dụng, Hamas có thể sẽ không để điều này làm chệch hướng đáng kể các cuộc đàm phán ngay cả trong trung hạn, mặc dù như tôi đã nói, ngắn hạn lại là một vấn đề khác”.