12 cáo buộc hình sự
Ngày 27.8, Công tố viên Paris Laure Beccuau thông báo, Pháp đã bắt nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) Telegram Pavel Durov để điều tra về 12 cáo buộc hình sự. Bà cho biết, vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ điều tra tư pháp bắt đầu từ ngày 8.7, tiếp sau cuộc điều tra do đơn vị chống tội phạm mạng thuộc Văn phòng Công tố Paris khởi xướng.
Cuộc điều tra này liên quan các cáo buộc về các giao dịch bất hợp pháp, tàng trữ hoặc cung cấp hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên… Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng điều tra hành vi từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện các hoạt động giám sát hợp pháp.
Theo bà Beccuau, việc giam giữ ông Durov có thể kéo dài tới 96 giờ kể từ ngày 24.8, theo thủ tục áp dụng đối với tội phạm có tổ chức. Khi thời gian thẩm vấn đầu tiên kết thúc, ông Durov có thể được trả tự do hoặc bị buộc tội danh và tiếp tục bị giam giữ.
Pháp khẳng định không vì động cơ chính trị
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phủ nhận việc bắt giữ nhà sáng lập Durov mang động cơ chính trị, nhấn mạnh việc đưa ra phán quyết vụ án tùy thuộc vào các thẩm phán điều tra. "Việc bắt giữ chủ tịch Telegram trên đất Pháp diễn ra như một phần của cuộc điều tra tư pháp đang được triển khai. Đây không phải là quyết định chính trị. Việc đưa ra phán quyết về vấn đề này tùy thuộc vào các thẩm phán".
Telegram phủ nhận mọi cáo buộc
Tỷ phú Pavel Durov, người Nga đồng thời mang quốc tịch Pháp, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Saint Kitts và Nevis, đã bị bắt giữ tại Paris vào ngày 24.8 để phục vụ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát.
Với gần 1 tỷ người dùng, Telegram là ứng dụng đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Phía Telegram cho hay, Bộ Nội vụ và cảnh sát Pháp chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.
Telegram đã phủ nhận mọi hành vi sai trái của vị CEO, tuyên bố rằng "thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó phải chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng nền tảng đó”.
Nga phủ nhận cuộc gặp giữa Durov và Putin
Trong khi đó, hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga chưa nắm rõ cáo buộc cụ thể nào đối với nhà sáng lập Telegram.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Peskov nhấn mạnh, "chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vấn đề này" và không nên vội đưa ra kết luận trước khi ông Durov bị khép tội.
Ông cũng bác bỏ các báo cáo của giới truyền thông đưa tin rằng Durov đã gặp Putin trong chuyến thăm Baku vào ngày 18-19.8. Một số cơ quan truyền thông vào thời điểm đó đã đưa tin rằng cặp đôi này đã đến thăm thành phố cùng lúc và thậm chí còn tuyên bố rằng họ đã có một cuộc họp kín.
Theo TASS, Đại sứ quán Nga tại Pháp đang thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ quyền của tỷ phú Durov và tìm cách tiếp cận lãnh sự với ông, nhưng "cho đến nay phía Paris vẫn tránh tham gia vào vấn đề này".
Trong khi đó, ngày 26.8, trên ứng dụng Telegram, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho rằng, Mỹ đứng sau vụ bắt bớ trên. Dù không đưa ra bằng chứng, song ông Volodin tuyên bố, Mỹ thông qua Pháp đã cố gắng kiểm soát Telegram. Quan chức này nói: "Telegram là một trong số ít và đồng thời là nền tảng Internet lớn nhất mà Mỹ không có ảnh hưởng. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, điều quan trọng là Tổng thống Joe Biden phải kiểm soát được Telegram".
Pháp và Mỹ chưa bình luận về cáo buộc của nghị sĩ Nga.
Với gần 1 tỷ người dùng, Telegram là ứng dụng đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Phản ứng của Liên Hợp Quốc
Về vụ việc này, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết đã nắm được thông tin về vụ bắt giữ tỷ phú Pavel Durov nhưng hiện chưa thể đưa ra bình luận.
Trong thông báo, OHCHR nêu rõ: “Ở giai đoạn điều tra này, chúng tôi không có đủ thông tin và sẽ còn quá sớm để chúng tôi đưa ra bình luận”.