Dựa trên giá trị phật giáo và tầm nhìn bền vững
Các quan chức Bhutan cho biết, thành phố chánh niệm Gelephu (GMC) sẽ là một trung tâm kinh tế được xây dựng dựa trên những giá trị bền vững nằm ở thị trấn Gelephu dọc biên giới phía Nam giáp với Ấn Độ; đây sẽ là một khu vực hành chính đặc biệt với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á. Họ cho biết, thành phố sẽ khuyến khích đi bộ và đạp xe để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được bao trùm bởi không gian xanh để tạo môi trường thiền định và thư giãn, phát triển nền giáo dục chánh niệm, các hoạt động cộng đồng, trung tâm chăm sóc sức khỏe và du lịch sinh thái.
GMC sẽ trải rộng trên diện tích hơn 2.500km2, chiếm khoảng 2.5% diện tích của vương quốc. Thành phố sẽ cung cấp không gian cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, du lịch, năng lượng xanh, công nghệ, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, hàng không, hậu cần, giáo dục và tâm linh.
Theo kế hoạch, nhà thiết kế cho thành phố đặc biệt này là kiến trúc sư người Đan Mạch Bjarke Ingels Group cùng với Arup và Cistri. Nhóm này đã đề xuất kiến tạo 35 sông, suối xung quanh, chuyển đổi mật độ xây dựng để tạo ra không gian kiến trúc thân thiện với thiên nhiên tại quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng carbon âm - quốc gia hấp thụ nhiều carbon hơn lượng carbon thải ra.
Để bảo vệ thành phố trước nguy cơ lũ lụt trong đợt gió mùa, các cánh đồng lúa sẽ được thiết lập dọc theo các con sông, chạy từ bắc xuống nam. Những cánh đồng này cũng sẽ đóng vai trò là hành lang cho hệ thực vật và động vật địa phương, bảo đảm các tuyến đường di cư của voi và các loài động vật hoang dã khác không bị xáo trộn. Các khu phố được kết nối bằng ba tuyến giao thông chính, đóng vai trò vừa là kết cấu hạ tầng giao thông và các cơ sở văn hóa và dân sự. Các tuyến giao thông này tạo thành hệ thống những "cây cầu có thể ở được", được thiết kế riêng cho từng lĩnh vực trong 9 tiêu chí của Chỉ số Hạnh phúc quốc gia tổng thể.
Ngoài ra, ở biên giới phía Tây của thành phố Chánh niệm Gelephu là ngôi chùa Sankosh và đập thủy điện khổng lồ. Các lối đi, cầu thang và đài quan sát cho phép du khách và khách hành hương thiền hành dọc theo “vô số tuyến đường khác nhau” dẫn đến ngôi chùa.
Bhutan nổi tiếng với triết lý đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân thông qua chỉ số Hạnh phúc quốc gia tổng thể (GNH), thay vì chỉ số GDP. Đây là triết lý và nguyên tắc chủ đạo bao gồm 9 chỉ số để đo lường về phúc lợi và hạnh phúc của người dân. Vì vậy, thành phố chánh niệm cũng được xây dựng chủ yếu dựa trên từng chỉ số trong 9 chỉ số này, bao gồm sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, giáo dục, sức sống cộng đồng và sự đa dạng văn hóa.
Là đứa con tinh thần của Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, thành phố chánh niệm được ông mô tả là công trình “có một không hai, dựa trên tầm nhìn và giá trị của GNH, bao gồm các hoạt động kinh doanh bền vững, lấy cảm hứng từ di sản tâm linh Phật giáo và nổi bật bởi tính độc đáo của bản sắc Bhutan”.
Luật pháp Singapore làm khung pháp lý chính cho quản trị
GMC sẽ áp dụng luật pháp Singapore làm khuôn khổ pháp lý chính để thiết lập nền tảng vững chắc cho hoạt động quản lý tại đặc khu hành chính. Ben Gaw, quan chức phụ trách các vấn đề pháp lý của GMC tuyên bố rằng, trong khi cấu trúc pháp lý cốt lõi sẽ lấy từ luật pháp Singapore, GMC cũng sẽ kết hợp các thông lệ quốc tế tốt nhất để tạo ra một hệ thống pháp luật toàn diện; ông Ben Gaw giải thích rằng, việc tạo ra các luật hoàn toàn mới có thể dẫn đến sự nhầm lẫn của công chúng và vì luật pháp Singapore là khuôn khổ được công nhận trên toàn cầu nên đây là lựa chọn dễ tiếp cận hơn đối với cư dân và doanh nghiệp. "Nhiều quốc gia đã áp dụng các luật này, điều này sẽ biến GMC thành nơi an toàn cho các doanh nghiệp", ông nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền tảng pháp lý vững chắc.
Ở giai đoạn 1, trọng tâm sẽ là các quy định kinh doanh và quy trình pháp lý để bảo đảm hoạt động an toàn và tuân thủ. Luật dân sự và hình sự cũng sẽ được thiết lập để thúc đẩy cư dân và doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Khi GMC mở rộng, giai đoạn 2 sẽ giới thiệu một bộ luật được thiết kế riêng, bao gồm quy định về trọng tài và các lĩnh vực chuyên biệt, được xây dựng sau khi tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp; ông Gaw nói thêm rằng khuôn khổ pháp lý phải phù hợp với nguyện vọng của xã hội, bảo đảm rằng luật pháp đáp ứng được nhu cầu của người dân đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Là một trung tâm kinh tế, GMC cũng sẽ ưu tiên các quy định thân thiện với môi trường, bao gồm các quy định liên quan đến thuế, hải quan và nghĩa vụ, để tạo ra một môi trường bền vững cho doanh nghiệp và người dân. Thống đốc GMC Lotay Tshering nhấn mạnh rằng, việc tận dụng các khuôn khổ đã được chứng minh từ các quốc gia khác sẽ tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa quy trình. "Chúng ta không cần phải tốn thời gian giải thích các quy tắc vì chúng đã được áp dụng ở nơi khác", ông giải thích. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng khuôn khổ pháp lý sẽ phát triển và được cập nhật để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thành phố theo thời gian. GMC đặt mục tiêu tạo ra một hệ thống pháp lý hiện đại, linh hoạt thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng, bảo đảm thành phố phát triển mạnh mẽ như một trung tâm kinh doanh và đổi mới.
Động lực mới cho nền kinh tế
Theo trang web của GMC, “trái phiếu xây dựng quốc gia” GMC kỳ hạn 10 năm bắt đầu được mở vào ngày 11.11, cho phép người Bhutan không thường trú đăng ký cho đến ngày 17.12; số tiền huy động được sẽ được sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng ban đầu về năng lượng xanh và kết nối cùng nhiều mục đích khác.
"Dự án đầy tham vọng này sẽ định hình lại bối cảnh kinh tế của quốc gia... mở đường cho một Bhutan thịnh vượng và kiên cường", Lotay Tshering, cựu Thủ tướng Bhutan, đồng thời là người được chọn để giữ chức Thống đốc GMC, cho biết. Thành phố được đánh giá là đầu tiên và duy nhất trên thế giới này được kỳ vọng sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư, phát triển kỹ năng và tạo việc làm tại quốc gia có đa số người dân theo đạo Phật.
Là một quốc gia có chưa đến 800.000 người dân nằm giữa hai gã khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan đang phải vật lộn để thúc đẩy nền kinh tế trị giá 3 tỷ USD của mình, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ, thủy điện và du lịch, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế do Covid-19. Khủng hoảng việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới gần 30% vào năm 2022, đã gây ra làn sóng di cư của những người trẻ tuổi tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Các quan chức cho biết GMC sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn và dự kiến hoàn thành trong 21 năm, với các mô hình đối tác công - tư đầu tư vào đường sá, cầu cống, sân bay, nhà ở, trường học, bệnh viện và doanh nghiệp. Chính quyền dự kiến sẽ đưa khoảng 150.000 người đến sống ở đó trong 7 - 10 năm đầu tiên và hơn 1 triệu người khi dự án hoàn thành.
Ấn Độ, đối tác kinh tế, thương mại và nhà tài trợ lớn nhất của Bhutan, ủng hộ dự án này; đồng thời cho biết sẽ mở rộng mạng lưới đường bộ và đường sắt đến biên giới để kết nối GMC, các quan chức Bhutan cho biết.
Surya Raj Acharya, chuyên gia về kết cấu hạ tầng và quy hoạch đô thị tại nước láng giềng Nepal cho biết, GMC là một "bước đi thông minh" nhưng khả năng kết nối có thể đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Bhutan - một quốc gia không giáp biển; ông Acharya cho biết: "Việc phát triển thành phố thành một trung tâm sản xuất cạnh tranh cũng phụ thuộc vào khả năng kết nối với hậu cần toàn cầu", đồng thời nói thêm rằng khả năng tiếp cận các cảng sẽ phụ thuộc vào kết cấu hạ tầng của Ấn Độ.