Cháu bé theo học tại Trường Mầm non Hồng Nhung 2, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình.
Theo báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Thái Bình, khoảng 6h20’ ngày 29.5, tài xế điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 1 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung đón bé trai và 9 học sinh khác đi học. Khi đến trường, tài xế mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.
Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu bé, nhưng không thông báo cho gia đình. Đến khoảng 17h cùng ngày, cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường, dẫn đến tử vong.
Hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, vấn đề trẻ nhỏ tử vong do bị bỏ sót trên xe đã xảy ra cách đây nhiều năm, nhưng đến nay vẫn tiếp diễn. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục phải vào cuộc và hành động
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của người lái xe đưa đón học sinh tại nhà trường bởi đã không kiểm đếm số lượng, rà soát lần cuối sau khi học sinh xuống xe mà cứ thế khóa xe. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng con người, đặc biệt với trẻ mầm non - độ tuổi thiếu kỹ năng phản xạ, phòng vệ khi rơi vào tình huống khó.
Về phía lớp học, thông thường, một lớp mầm non sẽ có 2 giáo viên, nhưng lại không kiểm tra xem bạn nào vắng để kịp thời liên lạc với phụ huynh học sinh. Mặt khác, phụ huynh đang phụ thuộc vào xe đưa đón, không hỏi xem con đã đến trường hay về nhà an toàn chưa. Điều này cho thấy gia đình và nhà trường đang thiếu chặt chẽ trong kết nối.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần rà soát lại quy định về việc tổ chức các trường mầm non, kể cả công lập hay ngoài công lập; cũng như quy chế hoạt động các trường bởi vai trò quản lý Nhà nước đối với trường công và trường tư là khác nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương đối với hệ thống giáo dục nói chung và mạng lưới giáo dục mầm non nói riêng, bằng những quy định cụ thể từ địa phương.
“Hành lang pháp lý của giáo dục nói chung và trẻ mầm non nói riêng hiện nay đã khá toàn diện, nhưng công tác kết hợp để thực thi lại chưa tốt”, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nói.
Các cơ quan chức năng liên quan đến giáo dục mầm non cũng cần ban hành chế định mới, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ bậc mầm non, bởi trẻ em là tương lai đất nước.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, việc giám sát đối với các loại hình xe dịch vụ hiện nay vô cùng cấp thiết. Đối với những chiếc xe chở trẻ mầm non, nên thiết kế sao cho người ngoài có thể nhìn thấy, phòng trừ trường hợp bất khả kháng.
“Mô hình các xe chở học sinh hiện nay đang theo dạng "ngôi nhà di động", dán kính đen, điều hòa kín mít và rất khó để người lớn quan sát từ bên ngoài. Với vấn đề này, các cơ sở giáo dục cần lựa chọn các loại xe chất lượng, phù hợp với việc đưa đón trẻ để phụ huynh tin tưởng và không xảy ra sự việc đáng tiếc một lần nữa”, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Tất cả các bộ phận tham gia đều phải cảm thấy có lỗi, có trách nhiệm
Hơn 20 năm làm việc trong ngành giáo dục, Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội chia sẻ, cô cảm thấy “quá xót xa, đau lòng” trước vụ việc.
“Trước khi là một nhà quản lý, là một cô giáo, tôi cũng là một người mẹ. Vụ việc quá thương tâm, quá đau xót. Có lẽ nhà trường và các thầy cô trong câu chuyện đang cảm thấy rất bối rối và ân hận, nhưng chúng ta chẳng thể đổ lỗi cho ai được. Tất cả các bộ phận tham gia đều phải cảm thấy có lỗi, có trách nhiệm trong việc này. Người lớn rõ ràng đã tắc trách”, nữ Hiệu trưởng nói.
Theo nữ Hiệu trưởng, giáo viên đưa đón học sinh trước khi xuống xe rõ ràng phải kiểm tra xem các cháu đã xuống hết chưa. Giáo viên đứng lớp khi không thấy bé đi học cũng cần gọi ngay cho gia đình để hỏi lý do con không đến lớp. Cấp học mầm non, tiểu học càng cần phải chú ý quy trình này.
“Trường chúng tôi có hơn 1.000 học sinh. Ngày nào cũng thế, vào tiết một và tiết hai, chúng tôi đều yêu cầu giám thị đi tới từng lớp, rà soát xem cháu nào đi học, cháu nào vắng, sau đó báo lên Hội đồng trường và các thầy cô chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm gọi điện cho phụ huynh để hỏi lý do vì sao con không đến. Đây là quy trình bắt buộc mỗi ngày, chúng tôi vẫn thực hiện thường quy. Học sinh cấp 2 cũng phải lo lắng như vậy, các cấp học nhỏ hơn càng cần lo lắng”, cô nói.
Nhìn nhận thêm dưới góc độ có thể trong thời điểm này chuẩn bị nghỉ hè, có bạn đi học, có bạn nghỉ nên giáo viên có phần chủ quan, tuy nhiên nữ Hiệu trưởng cho rằng việc vắng học sinh nhưng giáo viên không hỏi thăm là sự thiếu trách nhiệm, tắc trách.
Cô cũng cho rằng, các nhà quản lý không nên chờ những sự việc tương tự xảy ra mới rốt ráo chấn chỉnh. Làm quản lý nhà trường không phải chỉ quản lý con người trên sổ sách, mà cần coi học sinh như con mình, làm gì cũng nên cẩn thận, chu đáo, lo lắng cho các cháu.
Đặc biệt, nữ Hiệu trưởng nhấn mạnh, những người làm tài xế, lao công, bảo vệ cho những trường học cũng cần phải “có tâm hơn tất cả những nơi khác”. Khi đưa đón học sinh, tài xế cần có trách nhiệm kiểm tra xe sau khi các cháu xuống xe.
Cần ban hành bộ tiêu chuẩn cho người lái xe chuyên chở học sinh
TS Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhìn nhận, vụ việc trên vô cùng đáng tiếc.
Chuyên gia này cho rằng, trách nhiệm lớn thuộc về người lái xe khi không kiểm tra đầy đủ học sinh xuống hết chưa đã vội khóa xe, đặc biệt thiết kế xe còn dán kính đen nên người ngoài không nhìn thấy được. Một phần lỗi đến từ giáo viên đã không kiểm tra sĩ số đầy đủ và thông báo kịp thời cho phụ huynh.
Theo TS Lê Đông Phương, pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản, quy định cụ thể nào về việc sử dụng ô tô đưa đón học sinh. Đội ngũ lái xe do không được đào tạo bài bản nên thiếu kỹ năng thao tác, dẫn đến làm việc ngẫu hứng, thiếu trách nhiệm. Thường các chủ xe không tôn trọng quy định của luật giao thông vận tải về số lượng tối đa người được chở. Nhiều xe không có chất lượng tốt nhưng vẫn đưa vào sử dụng để chuyên chở học sinh.
“Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chuẩn giúp người lái xe chuyên chở học sinh nắm được nhiệm vụ, quy định, công việc cần làm để tạo sự tin tưởng cho các cơ sở giáo dục và gia đình cho con sử dụng xe đưa đón. Các trường học cần kết hợp với cơ quan giao thông để thảo luận về bộ quy định đầu tư xe đối với người lái, cũng như trách nhiệm của mình để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc”, TS Lê Đông Phương nêu quan điểm.
Được biết, ngay khi nhận được thông tin vụ việc, tối 29.5, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã trực tiếp làm việc với Công an tỉnh, UBND thành phố Thái Bình, các sở ngành liên quan yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc.
Cũng trong tối 29.5, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” để điều tra làm rõ các tình tiết, động cơ, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Sáng 30.5, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Văn bản số 2020/UBND-KGVX về việc chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ em, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo thành phố Thái Bình phối hợp chỉ đạo Phòng GD-ĐT thành phố, chính quyền xã Phú Xuân, các cơ quan, đơn vị: kịp thời thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình trẻ bị nạn; phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, nhất là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường mầm non tư thục.
Đồng thời, chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn trường học, trong đó có công tác đưa đón trẻ bằng phương tiện xe ô tô; chỉ đạo Trường mầm non Hồng Nhung 2 làm tốt công tác ổn định tâm lý cho phụ huynh, giáo viên để nhà trường hoạt động bình thường không để ảnh hưởng đến các học sinh khác.