Cụ thể, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và đã có công văn gửi Bộ Tư pháp để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025).
Với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính đã lấy ý kiến đóng góp và đang tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024).
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng đang được Bộ Tài chính hoàn thiện. Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Tư pháp để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025).
Có thể thấy, cả ba luật thuế được đề xuất sửa đổi cùng lúc lần này đều có tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội và nền kinh tế, ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp. Sẽ có nhiều vấn đề khó về mặt kỹ thuật, nhiều đề xuất chính sách gây tranh luận - vừa gây “nhức đầu”, vừa thử thách năng lực của cơ quan soạn thảo.
Chẳng hạn, với Luật Thuế giá trị gia tăng, dự thảo sửa đổi đề xuất đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì không hưởng thuế suất 0% như trước với lý do: cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước. Vậy nhưng, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác; nhất là khi các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Nếu đánh thuế giá trị gia tăng với dịch vụ xuất khẩu, rất có thể doanh nghiệp sẽ sang nước ngoài mở công ty; năng lực xuất khẩu của nước ta sụt giảm; định hướng công nghiệp số, kinh tế số, xuất khẩu phim, xuất khẩu văn hóa, xây dựng sức mạnh mềm quốc gia… khó thành hiện thực.
Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là nhiệm vụ quan trọng và đã được xác định rõ trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 (Quyết định số 508/QĐ-Ttg). Trong tiến trình sửa đổi ba luật thuế nêu trên, việc mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, tăng thuế cần được cân nhắc thấu đáo trong mối tương quan với bối cảnh doanh nghiệp đang phải trải qua và những định hướng tăng trưởng chiến lược của đất nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn nhiều hơn thế, lên tới 63 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Điều này có nghĩa khó khăn vẫn đang bám chặt doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp “yếu” thì nền kinh tế tất sẽ “ốm”, và cũng không thể đóng góp nhiều cho ngân sách. Và đã có những dự đoán cho rằng, phải 3 - 5 năm nữa, khủng hoảng kinh tế mới đụng đáy và phải 10 năm nữa, thậm chí hơn, chúng ta mới thấy kinh tế trở lại mức như năm 2018 - 2019. Vì thế, sửa đổi các luật thuế nói trên, bên cạnh việc hướng tới thu đúng, thu đủ thì cần phải coi trọng mục tiêu “khoan sức doanh nghiệp” để nuôi dưỡng nguồn thu và đưa đất nước phát triển bền vững.