Tham dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành trung ương và địa phương.
Theo Tờ trình dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 12 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm tinh thần luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật nhất là vấn đề liên quan đến lưu trữ tư; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, mối quan hệ giữa dự án Luật với các luật chuyên ngành về thời hạn lưu trữ; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ; lưu trữ tài liệu điện tử, tài liệu số…
Các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và các ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật.
Về giải thích từ ngữ, để thuận lợi cho việc nghiên cứu, đề nghị bổ sung các khoản để giải thích thêm các khái niệm: hoạt động dịch vụ lưu trữ, tài liệu lưu trữ dự phòng, bản sao tài liệu lưu trữ điện tử, tài liệu lưu trữ công, tài liệu lưu trữ điện tử khác.
Liên quan đến thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, các đại biểu chỉ rõ, thực tế hiện nay tại UBND cấp quận, huyện, thị xã, việc quản lý tài liệu trung gian giữa cấp tỉnh, thành phố và cấp xã rất nhiều; đồng thời, qua quá trình hoạt động, UBND cấp quận, huyện, thị xã cũng có nhiều tài liệu lưu trữ lịch sử. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật hiện chưa quy định về nội dung này, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để xem xét bổ sung vì đây cũng là những tài liệu lưu trữ rất quan trọng, chẳng hạn như ở cấp xã có giấy tờ liên quan đến hộ tịch, giấy khai sinh…
Cũng có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật nên có một điều hoặc một mục liên quan đến nội dung quản lý và xử lý thông tin trong tài liệu lưu trữ và trách nhiệm đối với việc xử lý các thông tin này như thế nào.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu, đánh giá cao ý kiến tại phiên họp rất chuyên sâu, đi vào những nội dung cụ thể trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Bộ Nội vụ sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật.