
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dự phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cùng các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan.
Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 12 chương, 73 điều (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008). Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, dự án Luật đã bám sát các chính sách đã được Chính phủ cơ bản nhất trí gồm: thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Báo cáo tại phiên họp, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Thường trực Ủy ban cũng nhận thấy, về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đảm bảo dự thảo Luật và các văn bản kèm theo tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ để thể chế hóa triệt để Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật như Luật Điều ước quốc tế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Giá, Luật Phí và lệ phí, Luật Hóa chất (đang được sửa đổi)…; tiếp tục rà soát, tham chiếu quy định các công ước về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân; Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Paris, Công ước Stockholm về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu…

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến nhằm làm rõ và tiếp tục hoàn thiện các nội dung về: vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan liên quan và cơ chế phối hợp giữa các bên; an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử...
Dự thảo Luật quy định nhiều chính sách về chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xã hội hóa đầu tư và hợp tác quốc tế. Một số ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu, cụ thể hóa hơn các chính sách này, đặc biệt là về tổ chức thực hiện, vai trò của Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan liên quan và cơ chế phối hợp giữa các bên.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng phát biểu
Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc phân quyền theo quy mô, vị trí, vai trò của các dự án điện hạt nhân. Đối với các dự án đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế thì cần giao Quốc hội quyết định.
Đối với việc ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung tại Điều 58 quy định giao Chính phủ hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ quy định danh mục hàng hóa phải kiểm xạ để tạo cơ sở pháp lý và thuận tiện cho các cơ quan thực hiện kiểm tra các hàng hóa nhập khẩu. Một số ý kiến khác đề nghị cần tiếp tục rà soát, cập nhật quy định theo Luật Phòng thủ dân sự và Luật Tình trạng khẩn cấp đang được chuẩn bị trình Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất, khả thi.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tạo không gian phát triển cho các lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử; cho biết Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4.2025 và trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.