Tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ chiều 27.10, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược, gồm đột phá về hạ tầng, thể chế và nhân lực.
Về thể chế, cùng với các kỳ họp Quốc hội định kỳ, Quốc hội đã tổ chức nhiều kỳ họp bất thường, tổ chức hội nghị chuyên đề, hội nghị chuyên trách để có được hệ thống luật pháp đồng bộ. Trong mỗi kỳ họp, Quốc hội thông qua 8 – 10 luật, nhưng phần lớn là sửa đổi, điều đó cho thấy để Luật phù hợp với thực tiễn đòi hỏi sự đầu tư cả về thời gian lẫn nhân lực, ông Ngân phát biểu.
Về hạ tầng, dù đã được quan tâm đẩy mạnh đầu tư, song hiện đầu tư công, nhất là với các công trình giao thông đường bộ vẫn còn những vướng mắc về mặt thể chế.
Trong bối cảnh hiện nay, khi 2/3 động lực cho tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng đều khó khăn do bị bào mòn bởi dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine cùng những diễn biến bất lợi khác, thì động lực quan trọng nhất chính đầu tư – đặc biệt là đầu tư công.
Ông Ngân nhắc lại đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phân bổ hơn 2.870.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó kế hoạch đến 2023 là hơn 1.700.000 tỷ đồng, đạt 60% của kế hoạch 5 năm. Riêng trong năm nay, kế hoạch giải ngân đầu tư công là trên 710.000 tỷ đồng và hiện đạt 51%.
Với tầm quan trọng của đầu tư công như vậy, việc phải tháo gỡ cơ chế để thúc giải ngân đầu tư công xây dựng các công trình giao thông đường bộ là rất quan trọng vì sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Bởi lẽ đó, ông Ngân nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là rất quan trọng và ông “hoàn toàn ủng hộ”.
Theo dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội, đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, thay vì 50% theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ông Ngân cho rằng, đây là quy định hoàn toàn phù hợp, bởi thực tế triển khai tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, tại một số dự án, chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ tái định cư chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng mức đầu tư dự án. Thêm nữa, khi nâng mức tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP lên 70% cũng phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Cũng theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, việc quy định cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là hợp lý. Tuy vậy, theo vị đại biểu này, cần lưu ý tới các dự án trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. “Cần ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các đầu tàu, động lực tăng trưởng, nhất là với các dự án Vành đai 3 và 4 của TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô để bảo đảm mang tính lan tỏa đến các vùng”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất.