Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) cho biết hiện nay quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không khuyến khích đầu tư các tuyến cao tốc có quy mô 2 làn xe, gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp.
Theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2 Dự án với quy mô như vậy là Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan, thực tế đã phát huy được hiệu quả đầu tư nhưng do quy mô nhỏ nên tốc độ lưu thông không cao, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đối với những dự án có quy mô như vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có kế hoạch rà soát các tuyến đường có quy mô nhỏ để nâng cấp hoặc mở rộng chưa?
Trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc nâng cấp hoàn thiện 4 làn xe hoàn chỉnh hay thậm chí là 6 làn là yêu cầu đúng đắn và cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo làm tuyến nào hoàn chỉnh tuyến đấy, tuy nhiên trong thời gian vừa qua do nguồn lực có hạn nên nhiều tuyến mới có ngân sách để làm 2 làn xe.
Thực tế hiện nay, theo tổng hợp vẫn còn 5 tuyến cao tốc 2 làn xe và trong đó có 2 tuyến tại Thừa Thiên Huế là Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hải và cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ trong việc tiếp tục mở rộng, ưu tiên nguồn vốn, ngân sách để nâng cấp các tuyến 2 làn xe thành 4 làn xe hoàn chỉnh.
Phản ánh về tình trạng chi phí vận tải, logistics của nước ta khá cao, thậm chí có thể cao hơn các nước đang phát triển, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ các giải pháp để giảm chi phí vận tại, logistics trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, trong những năm qua, chi phí logistics của nước ta có sự cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2022, chi phí này chiếm 16,8% GDP. Trước đó, năm 2018 trở về trước chiếm 21% GDP. Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt từ 16-20%.
Với mức chi phí này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng vẫn còn cao so với bình quân thế giới (11%). Do vậy, Bộ trưởng nêu rõ các nhóm giải pháp được đặt ra đó là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối cảng biển với các tuyến cao tốc, đặc biệt với hệ thống đường thủy nội địa. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách về giá và phí vận tải, như giảm, phí cảng biển, hạ tầng đường bộ. Ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến việc vận hành các chuỗi cung ứng logistics để doanh nghiệp có điều kiện để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, kiểm soát chi phí. Ngoài ra sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát các chi phí, phát triển cảng xanh, cảng thông minh, nâng năng lực khai thác