Thông điệp về tình đoàn kết
Nước Anh đã phải hứng chịu một loạt các cuộc bạo loạn nổ ra vào đầu tuần trước, sau khi ba bé gái thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng dao ở Southport, tây bắc nước Anh. Vụ tấn công sau đó được các nhóm cực hữu lan truyền bằng các thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội rằng nghi phạm giết người là một người di cư theo đạo Hồi; đồng thời kích động làn sóng nhằm vào người Hồi giáo và người di cư.
Các bài đăng trực tuyến cho biết, những người biểu tình cực hữu, chống Hồi giáo sẽ nhắm vào các trung tâm nhập cư, trung tâm hỗ trợ người di cư và các công ty luật chuyên ngành, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa sớm và một số cửa hàng phải đóng ván che cửa sổ vì lo ngại bị tấn công.
Chính quyền Anh đã phải triển khai hàng nghìn cảnh sát và người dân đã xuống đường tụ tập tại các thị trấn và thành phố bao gồm London, Bristol, Birmingham, Liverpool và Hastings, giương cao các biểu ngữ có nội dung "Chống phân biệt chủng tộc", "Ngăn chặn cực hữu" để phản đối những hành vi kích động bạo lực.
Những người biểu tình bao gồm nhiều nhóm người Hồi giáo, các nhóm chống phân biệt chủng tộc và chống phát xít, các công đoàn viên, các tổ chức cánh tả và người dân địa phương kinh hoàng trước các cuộc bạo loạn đang xảy ra trên cả nước.
Cho đến sáng 8.8, không có báo cáo về bất kỳ vụ mất trật tự nghiêm trọng nào xảy ra. Các cuộc tuần hành và biểu tình đều diễn ra trong trật tự.
Người thu gom rác Stetson Matthew, 64 tuổi, tham gia cùng hàng nghìn người biểu tình tại Walthamstow, đông bắc London, cho biết, người dân có quyền biểu tình nhưng việc nhắm vào các nhóm dân tộc thiểu số đã khiến đất nước lo ngại. “Mọi người đều có quyền làm những gì họ cần làm nhưng điều họ phải làm là lên tiếng một cách hòa bình, thân thiện, không gây ra căng thẳng hay hành vi bạo lực nào.”, ông nói.
Một phụ nữ tham gia cuộc phản biểu tình ở Hastings, đông nam nước Anh, cho biết, bà cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy có đông người tham gia.
Còn Lucy, 37 tuổi, một người trồng hoa cho biết: "Tôi cảm thấy mình nhất định phải có mặt ở đây tối nay để bày tỏ quan điểm, và với tư cách là một phụ nữ da trắng, tôi ở đây để gửi đi thông điệp về tình đoàn kết."
Thách thức đối với tân Thủ tướng
Bạo loạn nổ ra vào tuần trước khi các nhóm cực hữu lên đến vài trăm người đụng độ với cảnh sát và đập vỡ cửa sổ các khách sạn nơi những người xin tị nạn từ châu Phi, châu Á và Trung Đông đang ở. Những kẻ bạo loạn đòi trục xuất người di cư và đưa ra khẩu hiểu "dừng thuyền lại" - ám chỉ làn sóng “thuyền nhân” – những người di cư bất hợp pháp đến nước Anh bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche. Họ cũng ném đá vào các nhà thờ Hồi giáo, khiến các tổ chức Hồi giáo phải đưa ra khuyến cáo về an toàn cộng đồng.
Làn sóng bạo lực tệ nhất ở Anh trong 13 năm qua cũng là thách thức đầu tiên đối với tân Thủ tướng Keir Starmer, cựu công tố viên trưởng, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 4.7. Ông Starmer đã cảnh báo những kẻ bạo loạn rằng họ sẽ phải đối mặt với án tù nghiêm trọng và ông sẽ bằng mọi giá lập lại trật tự.
“Bất kỳ hành vi kích động bạo loạn trên đường phố hoặc trên mạng xã hội đều sẽ phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của luật pháp.”, ông Starmer cảnh báo.
Vấn đề di cư là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy Anh rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2016 và đây cũng là chủ đề nóng nhất trong cuộc bầu cử tháng 7, khi Công đảng giành chiến thắng nhờ cam kết kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Anh chứng kiến mức di cư ròng kỷ lục vào năm 2022, với số lượng tăng mạnh nhờ những người đến từ Ukraine và Hong Kong, cũng như thông qua thị thực lao động và du học.
Di cư ròng thông qua các phương tiện hợp pháp là khoảng 685.000 vào năm 2023, trong khi 29.000 người đã đến bằng những chiếc thuyền nhỏ, phần lớn trong số đó là những người phải sơ tán khỏi các vùng chiến sự. Những khẩu hiệu cực hữu "dừng thuyền lại" cũng là khẩu hiệu của Đảng Bảo thủ trước khi đảng này thất bại sau 14 năm cầm quyền.
Chính phủ Anh đã thành lập “lực lượng thường trực” gồm 6.000 cảnh sát đặc nhiệm để ứng phó với mọi hành vi bạo lực. Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia cho biết hơn 120 người đã bị buộc tội và 428 vụ bắt giữ đã được thực hiện liên quan đến tình trạng hỗn loạn này.