Từ quan Khâm sai…
Theo lời kể của họa sĩ Phan Kế An, cha ông sinh ngày 3.2.1892 trong một gia đình quan lại tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, nay là thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng và quan lại, lúc nhỏ, ông học chữ nho do cha kèm cặp. Lớn lên, cha cho vào học trường Tây ở Hà Nội và sau đó với “cái mác” là con quan chức trong triều đình bảo hộ, ông được vào học trường hậu bổ (giống như trường hành chính quốc gia ngày nay) nhằm đào tạo các quan lại cho chế độ thực dân. Chăm học và học giỏi, ông được chính quyền bảo hộ Pháp trao học bổng sang học tại Trường hành chính thuộc địa ở Paris. Thời gian ở Pháp, ông có may mắn được gặp Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc sau này) lúc đó đang làm nghề phụ bếp trên tàu buôn mang tên Đô đốc La Touche - Tresville.
Cuối năm 1914, ông về nước và được bổ nhiệm là tri huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh. Con đường công danh của ông khá thuận lợi: làm Tri phủ, Tri huyện, Thương tá, Bố chính rồi Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, nhân dân ở các địa phương nơi ông từng “cai quản” đều ca ngợi ông là “quan thanh liêm”, là “bao công”. Ông có cuộc sống giản dị.
Năm 1941, ông nhậm chức Tổng đốc Thái Bình cũng là năm ông có cảm tình với Việt Minh khi biết Việt Minh là do người bạn cũ của mình sáng lập. Đầu năm 1944, khi đương chức Tổng đốc Thái Bình, ông đã qua ông Nguyễn Công Liệu - cán bộ Việt Minh thời đó, bí mật ủng hộ Tổng bộ Việt Minh một tín phiếu 500 đồng bạc Đông Dương. Ông cũng ngầm ủng hộ con trai mình lúc đó đang học Trường Cao đẳng Mỹ thuật và bạn bè con hoạt động cho Việt Minh.
Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp và dựng chính quyền bù nhìn, tay sai của chúng ở Việt Nam, ông được cử giữ chức Khâm sai Bắc Bộ. Khi phát xít Nhật ép ông phải biểu dụ dân nhổ lúa trồng đay và nộp thóc cho Nhật, ông đã cáo ốm. Tháng 7.1945, ông xin từ chức, nhưng chưa được chấp nhận, nên vẫn phải tạm quyền cho đến ngày 17.8.1945.
Ngày 15.8.1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngay ngày hôm sau, ông Nguyễn Khang và ông Lê Trọng Nghĩa theo Chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, đã vào Phủ Khâm sai gặp gỡ, thuyết phục Khâm sai hợp tác với Việt Minh và ông đã nhận lời.
Trong điều kiện tạm quyền, ông đã góp phần quyết định vào việc hạn chế đổ máu khi Tổng khởi nghĩa bắt đầu nổ ra tại Hà Nội từ chiều 17.8. Trước khi rời Bắc Bộ phủ, ông ra lệnh cho Chánh quản lại (tức Sở) cùng một bảo an binh tên Nguyễn Sĩ là: “Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến công”. Nhờ “nội ứng” của Phan Kế Toại nên Việt Minh đã có phần thuận lợi khi cướp chính quyền ở Hà Nội và một số tỉnh khác.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông cùng gia đình về quê nhà tại làng Mông Phụ sinh sống.

Ảnh tư liệu BTLSQG
… đến Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhân dân non trẻ đứng trước những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Nạn đói đe dọa sinh mạng hàng triệu đồng bào, quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật ở miền Nam đã giúp thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 23.9.1945.
Ở miền Bắc, 18 vạn quân Tưởng kéo vào đem theo bọn phản cách mạng Việt Nam có vũ trang nhằm thực hiện âm mưu đen tối là “tiêu diệt Đảng Cộng sản”, “phá tan Việt Minh”. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải củng cố và mở rộng Mặt trận Việt Minh. Đồng thời, phải có thêm những hình thức tổ chức Mặt trận mới để tập hợp các nhân sĩ, trí thức, quan lại cũ, những nhà điền chủ và thương gia trước đây chưa có quan hệ với Việt Minh hoặc chưa vào Việt Minh vì những lý do mặc cảm riêng nào đó, nay muốn tham gia một tổ chức thích hợp để có điều kiện góp phần vào sự nghiệp củng cố nền độc lập của nước nhà.
Để đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, ngày 29.5.1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập với “mục đích đoàn kết các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam Độc lập - Thống Nhất - Dân chủ - Phú cường”[1].
Cùng với việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất là việc thành lập Chính phủ liên hiệp với thành phần gồm nhiều nhân sĩ, trí thức không đảng phái, đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng chí hội để cùng nhau đoàn kết đấu tranh ngăn chặn thực dân Pháp phá hoại, tạm hòa với Pháp, đồng thời kiềm chế và đập tan những hoạt động phá hoại của các tổ chức và phần tử phản cách mạng. Thực hiện chủ trương trên, năm 1947, đúng 36 năm sau lần gặp nhau ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư mời Phan Kế Toại tham gia Chính phủ.
Nhận được thư của người bạn cũ, nay là Chủ tịch Nước, ông đã cùng vợ con khăn gói lên Chiến khu Việt Bắc, nơi đóng đô của Chính phủ kháng chiến và nhậm chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 11.1947 thay cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa qua đời. Ngày 18.8.1948, ông được cử làm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ông Lê Văn Hiến làm Phó Chủ tịch, các ông Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu làm Ủy viên và Hội đồng hoạt động đến ngày 30.6.1963.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết. Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, nhưng đều có một mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc. Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến nay, nhiệm vụ chung của cả nước và của mỗi miền đã thay đổi. Vì vậy, cần có tổ chức mặt trận mới thích hợp nhằm thu hút tất cả mọi tổ chức, mọi cá nhân yêu nước và tiến bộ, nhất là những tổ chức và cá nhân ở vùng mới giải phóng.
Ngày 10.9.1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời. Ông Phan Kế Toại được giới thiệu tham gia Ủy ban Trung ương và Ủy ban Trung ương cử ông vào Đoàn Chủ tịch phụ trách Tiểu ban nhân sĩ - trí thức tiêu biểu. Với cương vị trên và uy tín của mình, ông đã góp phần quan trọng vào việc tập hợp nhân sĩ, trí thức ở vùng mới giải phóng vào Mặt trận đại đoàn kết đấu tranh cho độc lập, thống nhất đất nước.
Mười ngày sau đó, ngày 20.9.1955, theo đề nghị của Chủ tịch Nước, Quốc hội đã giao ông đảm nhiệm trọng trách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông đã đảm nhiệm chức vụ đó suốt 4 nhiệm kỳ cho đến khi qua đời ngày 26.6.1973.
Do có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh ngày 24.4.2009 và Huân chương Đại đoàn kết vào đợt đầu tiên.
[1] Trích Cương lĩnh của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia năm 1996. Lược sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất, trang 76.