Giúp học viên, sinh viên thử sức, rèn luyện
Sân khấu Nhạc kịch là một trong những sân khấu có thể kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh thông qua âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và cả vũ đạo. Khi biểu diễn, các yếu tố âm nhạc, bối cảnh dàn dựng, ngôn ngữ hình thể do diễn viên biểu đạt sẽ hợp thành một thể thống nhất. Điều đó sẽ dẫn dắt người xem đi từ tình tiết này đến tình tiết khác, đồng thời truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc chân thật nhất đến khán giả.
Nhạc kịch có yêu cầu rất cao về kỹ thuật sân khấu. Đòi hỏi người diễn viên phải lột tả được nhân vật thông qua từng câu chữ, âm nhạc và hành động sân khấu, giúp khán giả có thể cảm nhận rõ nét về ý nghĩa nội dung và cảm xúc của vở nhạc kịch.
Nhạc kịch hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, được biểu diễn trên các sân khấu lớn như West End (Luân Đôn) hay Broadway (New York) với chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, nhạc kịch có thể được thực hiện trên các sân khấu nhỏ hơn, cũng có thể tổ chức thành chuyến lưu diễn hoặc chỉ đơn thuần trong các chương trình biểu diễn không chuyên tại trường học...
Trước yêu cầu của thực tiễn phát triển nghệ thuật thời kỳ mới, việc thay đổi, bổ sung kiến thức, trình độ để phù hợp với sự tiến bộ của lĩnh vực Thanh nhạc trên thế giới nói chung và lĩnh vực đào tạo Thanh nhạc nói riêng là tất yếu.
Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Khoa Thanh nhạc, từ năm 2015 đến nay, đã triển khai công tác đào tạo học viên, sinh viên ở các bậc học Trung cấp và Đại học theo hướng phân tách rõ 3 phong cách trong giảng dạy chuyên ngành, gồm: phong cách Hát Cổ điển - Thính phòng, phong cách Hát Dân gian và phong cách Hát Nhạc nhẹ.
Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn đào tạo, đồng thời bám sát với mục tiêu phát triển của Nhà trường là: “đào tạo, ươm mầm những tài năng về văn hóa nghệ thuật cho quân đội và xã hội...”, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung của công chúng yêu âm nhạc, vừa đảm bảo chức năng định hướng thẩm mỹ của một Nhà trường đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Uy tín và chất lượng đào tạo của Nhà trường đã được khẳng định từ những thành công và các giải thưởng của các nghệ sĩ, học viên, sinh viên đạt được trên các sân khấu lớn, trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Tại Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, các chương trình đã được đưa vào dàn dựng và biểu diễn như: Vở nhạc kịch “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Câu chuyện âm nhạc “Bản tình ca người lính” với chùm ca khúc được liên kết với nhau thông qua lời kể chuyện của nhân vật; Vở Nhạc kịch “Wicked”; Vở Nhạc kịch “Cô Sao”…. Các tiết mục hát nhóm được chia theo 3 phong cách, đã được Khoa Thanh nhạc triển khai, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Đảng ủy Ban Giám hiệu, cùng sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các giảng viên, chuyên gia có uy tín và sự hỗ trợ - phối kết hợp nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị trong Nhà trường.
Trong quá trình thực hiện bộ môn Thực hành biểu diễn gặp nhiều trở ngại, khó khăn bởi tính chất nhiệm vụ còn mới. Trong đó, vở sân khấu nhạc kịch “Wicked” chưa được tiếp cận tại Việt Nam. Vì vậy các tài liệu liên quan đến vở nhạc kịch hầu hết đều bằng tiếng Anh. Nhà trường, Khoa Thanh nhạc đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận kịch bản gốc.
Sau khi có được kịch bản thông qua đăng ký tài khoản (đóng phí) một trang thư viện âm nhạc điện tử, Khoa Thanh nhạc đã triển khai các bước như: Biên dịch 238 trang kịch bản nguyên gốc; Tóm tắt nội dung; Xây dựng kịch bản rút gọn; Lập kế hoạch dự trù, kế hoạch chi tiết; Phân công giảng viên và mời chuyên gia phụ trách các mục trong quy trình; Phân loại giọng hát và năng lực….
Khi tham gia các vở diễn, các diễn viên đã thể hiện được tinh thần, tính chất của nhạc kịch, tạo nên một không gian thật sự sống động, đầy sức cuốn hút từ các hoạt động ca hát kết hợp với thoại kịch và nhảy múa. Các học viên, sinh viên Khoa Thanh nhạc đã biểu diễn vừa hát vừa nhảy múa các động tác một cách đồng đều, mạnh mẽ, linh hoạt và tự nhiên.
Về chất lượng kịch, mặc dù toàn bộ buổi diễn, các tác phẩm và lời thoại kịch đều được sử dụng tiếng Anh, nhưng vẫn không mất đi tác dụng thẩm thấu của nghệ thuật đến khán giả, bởi chúng tôi đã sử dụng hiệu quả màn hình led với những hình ảnh tạo nên không gian của vở diễn, đồng thời với đó là phần phụ đề bằng tiếng Việt, giúp người xem có thể nắm bắt được toàn bộ nội dung và diễn biến của vở nhạc kịch. Vở nhạc kịch được mở đầu như một câu chuyện do hai nhân vật kể lại, dẫn dắt người xem đến với các tình tiết và nội dung của vở diễn trong sự háo hức, hiếu kỳ…
Những thành công bước đầu
Sau thời gian luyện tập với cường độ cao, buổi biểu diễn báo cáo của các học viên, sinh viên khoa Thanh nhạc đã cho khán giả được thưởng thức một vở diễn với sức cuốn hút cao bởi sự mới mẻ trong dàn dựng và biểu diễn.
Việc tiếp cận vở nhạc kịch “Wicked” nói riêng và các vở nhạc kịch khác nói chung đối với các cán bộ, giảng viên, vừa là một thử thách về trình độ chuyên môn, về khả năng cập nhật kiến thức, tính kiên trì và sự sáng tạo của mỗi người, đồng thời cũng là cơ hội lớn để mỗi người có điều kiện nâng cao hiểu biết nghề nghiệp, năng lực của bản thân trong công tác đào tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của Khoa và Nhà trường.
Khoa Thanh nhạc đã cùng lúc tổ chức biểu diễn báo cáo thí điểm thành công với trích đoạn của 2 vở: nhạc kịch “Cô Sao” theo phong cách Hát Thính phòng - Cổ điển và “Wicked” theo phong cách Hát Nhạc nhẹ, đã được người xem, những nhà chuyên môn đánh giá cao.
Từ thành công bước đầu của các buổi biểu diễn thí điểm, Trưởng đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã củng cố và bồi dưỡng hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật cho học viên, sinh viên thông qua Nhạc kịch. Bởi Nhạc kịch luôn mang trong đó các yếu tố văn hóa, lịch sử, xã hội, việc tiếp cận và luyện tập biểu diễn vở giúp học viên, sinh viên mở rộng hiểu biết và trân trọng các giá trị nghệ thuật.
Quá trình học tập và biểu diễn, học viên, sinh viên có cơ hội khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật. Quá trình lừ luyện tập đến biểu diễn báo cáo vở “Wicked” diễn ra trong khoảng 03 tháng không liên tục, các bạn trẻ đã phải nỗ lực học tập rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu của kịch bản, từ phát âm, các đoạn hát nói trên quãng giọng cao, vừa hát vừa nhảy múa với nhiều tư thế, động tác khó và đảm bảo phải đồng đều, hay những ngày tập hát những tác phẩm tiếng Anh, với yêu cầu về nhả chữ, giữ bè và hòa giọng theo phong cách Nhạc nhẹ, có liên tục các nốt treo.
Các học viên, sinh viên đều tiến bộ qua từng ngày tập, từ đó mỗi người sẽ hứng thú hơn, có định hướng rõ ràng trong học tập vươn lên; đồng thời các bạn trẻ sẽ tự tin hơn khi đứng trước đám đông, cải thiện khả năng giao tiếp và bản lĩnh hơn khi biểu diễn, thể hiện bản thân trước công chúng.
Đánh chú ý, qua các vở nhạc kịch đã phát triển kỹ năng biểu diễn của học viên, sinh viên một cách toàn diện; được tham gia luyện tập và biểu diễn nhạc kịch “Wicked”, chính là cơ hội vô cùng quý báu để phát triển kỹ năng toàn diện từ kỹ thuật Thanh nhạc, diễn xuất đến khả năng biểu diễn, nhảy múa trên sân khấu, bởi sân khấu nhạc kịch yêu cầu người diễn viên phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa diễn xuất, ca hát và vũ đạo.
Đồng thời, nhạc kịch có thành công hay không đòi hỏi rất lớn vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong vở diễn, vì vậy các bạn trẻ sẽ được xây dựng, bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm và cách chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong tập luyện và biểu diễn.
Các kết quả thu được từ nghiên cứu cho thấy rằng, các học viên, sinh viên đã có sự tiến bộ rõ rệt trong việc kiểm soát giọng hát, biểu cảm khuôn mặt, và tự tin thể hiện ngôn ngữ hình thể, vũ đạo hỗ trợ việc ca hát khi biểu diễn trên sân khấu. Hơn nữa, việc tham gia vào một dự án nghệ thuật lớn như Wicked đã giúp học viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự phối hợp nhóm và tinh thần đồng đội, từ đó nâng cao khả năng làm việc nhóm và sự sáng tạo cá nhân.
Những phát hiện này khẳng định rằng việc đưa nhạc kịch vào quá trình đào tạo cho học viên, sinh viên Thanh nhạc như một công cụ giảng dạy không chỉ mang lại lợi ích về mặt kỹ thuật mà còn góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cần thiết cho một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp tương lai.
Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ cho các giảng viên tham gia nghiên cứu, dàn dựng và hướng dẫn luyện tập cho học viên, sinh viên như một đòn bẩy, giúp các giảng viên có thêm cơ hội nghiên cứu, học hỏi, tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức âm nhạc, mở rộng phương pháp giảng dạy, kỹ năng hướng dẫn và phát triển tư duy sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp và đam mê nghệ thuật ca hát.
Do đó, việc nâng cao kỹ năng biểu diễn của học viên, sinh viên Thanh nhạc thông qua dàn dựng và biểu diễn vở sân khấu nhạc kịch “Wicked” mà Khoa đã triển khai thí điểm trong chương trình đào tạo thanh nhạc là một hướng đi đúng đắn và cần được khuyến khích.
Hoạt động đào tạo và nâng cao kỹ năng biểu diễn học viên, sinh viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội là một nội dung cấp thiết gắn liền với sự phát triển của Khoa và nhà trường trong thời kỳ mới. Là một trong những yếu tố góp phần đào tạo nên nhiều những thế hệ ca sĩ là “chiến sĩ – nghệ sĩ” có phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, văn minh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và đóng góp vào sự phát triển chung trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật của đất nước hiện nay; là một hạt nhân không thể thiếu để mở rộng tư duy thẩm mỹ âm nhạc.
Qua đó, khẳng định rằng, việc đưa nhạc kịch vào quá trình đào tạo cho học viên, sinh viên Thanh nhạc như một công cụ giảng dạy không chỉ mang lại lợi ích về mặt kỹ thuật mà còn góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cần thiết cho một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp tương lai.