Chính quyền địa phương Trung Quốc có bốn cấp. Cấp thứ nhất gồm các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc chính phủ Trung Quốc. Cấp thứ hai gồm các quận, huyện và khu tự trị (autonomous prefecture). Cấp thứ ba có các hạt, hạt tự quản và các thành phố không được chia thành quận, huyện. Cấp thứ tư là cấp cơ sở, gồm các thị xã, thị xã tự quản và thị trấn. Trung Quốc hiện có 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 460 thành phố, 1.900 hạt, 650 huyện và 6.000 thị xã, thị trấn.
Tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, châu tự trị, huyện, huyện tự trị, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, xã dân tộc, thị trấn đều thiết lập 2 cơ quan là Đại hội đại biểu nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp địa phương và chính quyền nhân dân - cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, các châu tự trị, thành phố chia thành nhiều khu (quận) có nhiệm kỳ 5 năm. Nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân các huyện, huyện tự trị, các thành phố không chia thành nhiều khu (quận), các khu (quận) của thành phố, thị xã, xã dân tộc, thị trấn là 3 năm. Đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân hoặc được Đại hội đại biểu nhân dân cấp dưới bầu, hoặc được cử tri bầu trực tiếp tùy từng cấp. Đại hội đại biểu nhân dân các cấp bầu và bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính. Đại hội đại biểu nhân dân các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, châu tự trị, các huyện, huyện tự trị, các thành phố lập ra Ủy ban thường vụ là cơ quan thường trực của Đại hội đại biểu nhân dân.
Chính quyền nhân dân địa phương các cấp là cơ quan chấp hành của Đại hội đại biểu nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các vụ việc hành chính địa phương mình, chịu trách nhiệm báo cáo với cơ quan hành chính nhà nước cấp cao hơn và chịu sự giám sát của cấp trên và của Đại hội đại biểu nhân dân địa phương. Nhiệm kỳ của chính quyền nhân dân giống như nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân. Chính quyền nhân dân căn cứ vào nhu cầu công việc và phù hợp với nguyên tắc chặt chẽ để thiết lập các cơ quan làm việc cần thiết.
Hội đồng dân cư nông thôn được lập ra theo khu vực dân cư ở thành thị và nông thôn, là tổ chức tự quản của quần chúng nhân dân ở cơ sở. Mỗi làng thành lập một hội đồng dân cư nông thôn hoặc vài làng có thể thành lập một hội đồng dân cư nông thôn, còn ở xã rộng có thể thành lập vài hội đồng dân cư nông thôn. Việc thành lập hoặc giải tán hội đồng dân cư nông thôn theo đề nghị của chính quyền nhân dân, được thảo luận và thông qua tại các cuộc họp nhân dân trong làng và được chính quyền nhân dân cấp huyện chuẩn y. Hội đồng dân cư nông thôn có trách nhiệm báo cáo trước các cuộc họp của nhân dân trong làng, xã về hoạt động của mình.