Một ngân hàng Trung Quốc có trụ sở tại Rio sẽ được kết nối với Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, một giải pháp thay thế cho SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu - một tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc thực hiện các giao dịch tài chính và thanh toán giữa các ngân hàng trên toàn thế giới), để hỗ trợ thanh toán thương mại giữa Trung Quốc và Brazil bằng đồng nhân dân tệ.
Banco BOCOM BBM, một công ty con của Ngân hàng Truyền thông, ngân hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc, sẽ được liên kết với CIPS để giảm chi phí giao dịch thương mại thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa đồng real của Brazil và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, theo một tuyên bố của Cơ quan Xúc tiến tương mại và đầu tư Brazil (ApexBrasil).
Thông báo này được đưa ra ngay sau Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Brazil hồi đầu tháng 2 đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác để thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ ở Brazil. Theo đó, hai bên sẽ thành lập một cơ chế thanh toán để tạo điều kiện giao dịch mà không sử dụng đồng USD và các khoản vay bằng đồng nội tệ. Điều này sẽ giúp các công ty thực hiện các giao dịch dễ dàng hơn và rẻ hơn. Thanh toán bằng nội tệ cũng sẽ giảm thiểu rủi ro tài chính trong các giao dịch thương mại do biến động tỷ giá hối đoái của đồng USD.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Những thỏa thuận này sẽ giúp các doanh nghiệp và tổ chức tài chính ở cả hai nước thực hiện các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ; từ đó tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương”.
Những nhân tố thúc đẩy
Zhu Min, Phó chủ tịch Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nói với China Daily bên lề Hội nghị thường niên của Diễn đàn Bác Ngao hôm 30.3 rằng ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán bù trừ và thanh toán, đây là một bước quan trọng đối với quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Ông Zhu cho biết các lệnh trừng phạt tài chính mà Mỹ áp đặt đối với Nga vào năm ngoái đã làm lung lay niềm tin của người dân vào đồng USD, thúc đẩy việc sử dụng các loại tiền tệ khác trên toàn cầu, bao gồm cả đồng nhân dân tệ.
Đồng quan điểm trên, Chen Fengying - một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc - nhận định, bất ổn trong hệ thống tài chính Mỹ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy việc chuyển các khoản thanh toán sang đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng real của Brazil.
“Trước cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia đang thực hiện các bước để đa dạng hóa giỏ tiền tệ. Tỷ giá hối đoái biến động chủ yếu do Cục Dữ trữ liên bang (FED) tăng mạnh lãi suất. Điều này đang gây lo lắng cho thị trường do sự không chắc chắn của chính sách tiền tệ từ Mỹ. Trước đây, Trung Quốc và Brazil đều nằm trong khu vực đồng USD và ổn định thương mại song phương của hai nước phụ thuộc rất nhiều vào giá trị của đồng USD. Bất ổn hiện nay của tỷ giá đồng USD ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư song phương, từ đó gây bất lợi cho Trung Quốc và Brazil”, nhà phân tích Chen chỉ ra.
Brazil là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil sau khi vượt Mỹ vào năm 2009.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương đạt 171,49 tỷ USD vào năm 2022, tăng 4,9% so với năm trước. Theo dữ liệu chính thức của Brazil, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đạt 89,43 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 26,8% tổng xuất khẩu của nước này.
Việc chuyển đổi sang đồng nội tệ giao dịch sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil trong lĩnh vực thực phẩm và khoáng sản, đồng thời mở ra những cơ hội mới để xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao từ Trung Quốc sang Brazil và từ Brazil sang Trung Quốc. Đây là những lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất được khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp Bắc Kinh.
Theo chuyên gia Chen, việc chuyển các khoản đầu tư sang nội tệ cũng sẽ mang lại những khoản lợi nhuận đáng kể. Brazil đã trở thành điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở Mỹ Latin.
Cột mốc quan trọng
Zhang Chao, một nhà nghiên cứu tại Viện Đài Bắc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với National Business Daily rằng thỏa thuận của Brazil là một cột mốc quan trọng đối với tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Zhang cho biết: “Có ba giai đoạn để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ – đầu tiên là sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu trong thương mại quốc tế quy mô nhỏ, sau đó là thương mại hàng hóa và cuối cùng là chuyển đổi đồng nhân dân tệ thành một loại tiền tệ dự trữ”. “Với thỏa thuận của Brazil, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn thứ hai”.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 25 quốc gia, gồm cả Chile và Argentina, đã giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.
Mikhail Belyaev, một chuyên gia độc lập của Nga về các vấn đề tài chính và kinh tế, cho biết mô hình mà Brazil đang ứng dụng có thể khuyến khích các đối tác Trung Quốc khác trong khu vực chuyển sang thanh toán thương mại bằng tiền tệ quốc gia.
“Đây chắc chắn là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác thực hiện bước tương tự như Brazil. Toàn bộ Mỹ Latin đang chịu ảnh hưởng khá mạnh của Mỹ, bao gồm cả ảnh hưởng tài chính. Brazil đang rời xa đồng USD vì tính “độc hại” của đồng tiền này. Nếu USD “độc hại” đối với Nga trong hôm này thì điều đó không có nghĩa là nó sẽ không “độc hại” đối với Brazil hay bất kỳ quốc gia Mỹ Latin nào khác vào ngày mai. Tình hình thực tế đóng vai trò là chất xúc tác để các quốc gia trong khu vực noi gương Brazil và phát triển các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bằng đồng tiền quốc gia của họ. Đồng thời, nó củng cố ảnh hưởng kinh tế và tài chính của Trung Quốc trong khu vực”, ông Mikhail giải thích.
Sau Argentina, Brazil là quốc gia Nam Mỹ thứ hai chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Đây là động lực mạnh mẽ cho hai thành viên khác trong khối là Uruguay và Paraguay làm theo, đặc biệt là khi Trung Quốc và Uruguay đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do.
Gần đây, tờ National Business Daily cho biết Trung Quốc đang giao dịch với Iraq và Pakistan bằng đồng nhân dân tệ. Một bộ trưởng Iran cho biết vào tháng 2 rằng “một phần trao đổi nhất định trong thương mại của Iran với Trung Quốc đã được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ”. Trước đó, Trung Quốc đã đề xuất thanh toán tiền dầu mỏ của Ảrập Xêút bằng đồng nhân dân tệ nhưng tiến độ thảo luận vẫn còn chậm.
Khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ
Như nguồn tin từ SWIFT, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ chiếm 2,19% giá trị thanh toán toàn cầu trong tháng 2, tăng từ 1,91% trong tháng 1, xếp thứ 5 trong số các loại tiền tệ chính trong tháng thứ 13 liên tiếp.
Hầu hết các tờ báo Trung Quốc hôm 1.4 đều cho rằng thỏa thuận Trung Quốc-Brazil sẽ là một đòn nặng nề đối với quyền bá chủ của đồng dollar Mỹ. Nhưng một số phương tiện truyền thông chỉ ra rằng sẽ mất một thời gian để các nhà xuất khẩu Brazil tiếp nhận đồng nhân dân tệ hơn với một thái độ sẵn sàng hơn.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, hầu hết những người bán tài nguyên thiên nhiên vẫn thích nhận dollar và euro hơn là nhân dân tệ, vốn thiếu khả năng chuyển đổi và các công cụ đầu tư. Họ cho biết một số công ty chọn nhận đồng nhân dân tệ vì họ cần mua các sản phẩm của Trung Quốc, chẳng hạn như máy móc và ô tô.
Để cung cấp cho những người nắm giữ đồng nhân dân tệ nhiều công cụ đầu tư hơn, thị trường chứng khoán Hong Kong cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng họ sẽ giới thiệu mô hình bộ đếm kép dollar Hong Kong-nhân dân tệ, cho phép mọi người mua trực tiếp cổ phiếu Hong Kong bằng đồng nhân dân tệ. Cho đến nay, bảy công ty niêm yết đã đăng ký niêm yết cổ phiếu của họ bằng đồng nhân dân tệ nhưng chương trình vẫn chưa bắt đầu.