Hơn 1 triệu hộ thoát nghèo
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199,8 nghìn tỷ đồng, tăng 57,2 nghìn tỷ đồng (tăng 40,2%) so với 31.12.2015; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7% với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Vốn tín dụng chính sách được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ của chương trình tín dụng hộ nghèo đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ, với hơn 1,1 triệu hộ đang còn dư nợ; doanh số cho vay giai đoạn 2016 - 2019 đạt 41,9 nghìn tỷ đồng với gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn. “Nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo đã giúp cho trên một triệu hộ vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo”, ông Dương Quyết Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Người thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, qua đó từng bước nâng cao trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay và sử dụng vốn có hiệu quả. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách còn có tác động trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn tín dụng đen.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách, qua đó tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa. Cụ thể, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp cho gần 11 nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10,5 nghìn lao động; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 2,85% vào cuối năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biêu tại hội nghị | Ảnh: Lâm Hiển |
Vốn ủy thác của địa phương rất ít
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Người nghèo phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
Vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện chính sách xã hội này là hết sức quan trọng. Quản lý vốn tín dụng và cách thức tác nghiệp rất đặc thù, rất hiệu quả mà chúng ta đã thực hiện phù hợp với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số. Đến nay, ngân hàng chính sách xã hội đã thiết lập được 10.956 điểm giao dịch ở cấp xã và 178.890 tổ tiết kiệm vay vốn tại 100% thôn ấp bản làng. “Đây là chính sách vĩ mô nhưng đã xuống tới tận từng thôn ấp bản, là công cụ kinh tế tài chính vi mô hết sức là quan trọng góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra tình trạng vốn của địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn; trong khi đó, riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 1.687 tỷ đồng, Bình Dương 1.190 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội trên 100 tỷ đồng. Đây là con số hết sức khiêm tốn. “Nếu mỗi địa phương khó đến mấy mà dành trên 100 tỷ đồng ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội thì chắc chắn sẽ có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và bảo đảm hoạt động ổn định của ngân hàng chính sách xã hội, đồng thời tính tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số khi được Quốc hội thông qua.