Nợ ngắn hạn tăng mạnh
Hoạt động từ năm 2015, Lexus Thăng Long là đại lý 3S (bán hàng, dịch vụ và phụ tùng chính hãng) thứ hai của Lexus tại Việt Nam (sau Lexus Trung tâm Sài Gòn, Hồ Chí Minh), được phát triển theo tiêu chuẩn của Lexus toàn cầu với ý tưởng lấy khách hàng là trung tâm, theo tinh thần hiếu khách Omotenashi của người Nhật.
Theo dữ liệu doanh nghiệp, Lexus Thăng Long do Công ty cổ phần Lexus Thăng Long quản lý, đi vào hoạt động năm 2011. Tuy nhiên, đến 2015, Lexus Thăng Long mới chính thức công bố trở thành đại lý của Lexus tại Hà Nội.
Cổ đông sáng lập của Lexus Thăng Long gồm: Nguyễn Xuân Ninh; Lê Hồng Thái; Vũ Thị Thu Hà.
Sau nhiều năm phát triển, tới thời điểm hiện tại, cơ cấu sở hữu Lexus Thăng Long có biến động khi ông Lê Hồng Thái chỉ còn sở hữu 1%, 99% còn lại là của Cổ đông khác. Ông Lê Hồng Thái hiện tại đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của Lexus Thăng Long. Vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện ở mức 100 tỷ đồng.
Dữ liệu tài chính năm mới nhất cho thấy, tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của Lexus Thăng Long đã tăng mạnh lên mức 1.516 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, về chất lượng tài sản cho thấy, lượng hàng tồn kho của năm 2023 cũng tăng đột biến so với năm 2022. Theo đó, cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho chỉ ở mức hơn 39 tỷ đồng nhưng khi kết thúc năm 2023 đã lên tới hơn 660 tỷ đồng,
Trong cơ cấu nguồn vốn, trong giai đoạn từ 2015 đến 2022, nợ phải trả của lexus Thăng Long luôn trì ổn định ở mức trên 200 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Tuy nhiên trong năm 2023, doanh nghiệp này đã có khoản nợ phải trả tăng lên hơn 1.300 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ khoản nợ vay tài chính ngắn hạn lên tới hơn 950 tỷ đồng và khoản chi trả nội bộ gần 150 tỷ đồng.
Việc khối nợ phình to khiến cho hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Lexus Thăng Long đang là 6,3 lần, cho thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao.
Doanh số Đại lý Lexus đầu tiên tại Việt Nam có xu hướng giảm
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tính trong 11 tháng năm 2024, tổng số Lexus bàn giao đến khách hàng là 1.336 chiếc, giảm hơn 14% so với năm 2023 (1.558 chiếc).
Đáng chú ý, việc giảm số lượng xe Lexus bàn giao đến chủ yếu từ Đại lý Lexus khu vực phía Nam, cũng là đại lý đầu tiên của Lexus tại Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, nếu tính từ dấu mốc năm 2015, chỉ sau 2 năm ngắn ngủi trở thành đại lý bán “xe sang” của Toyota, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng vọt lên mức hơn 1.400 tỷ đồng. Tiếp sau đó 2 năm, vào năm 2019, doanh thu của Lexus Thăng Long tăng lên mức hơn 2.400 tỷ đồng. Giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra, doanh thu của Lexus Thăng Long vẫn tiếp tục tăng trưởng lên mức hơn 2.800 tỷ đồng và cán mốc hơn 4.500 tỷ đồng trong năm 2023.
Cùng chiều với doanh thu, lợi nhuận của Lexus Thăng Long cũng có sự phát triển nhưng không nhiều ấn tượng.
Theo đó, năm 2017, Lexus Thăng Long dù doanh thu đã nghìn tỷ nhưng mức lợi nhuận mang về chỉ ở mức hơn 30 tỷ đồng. Phải đến năm 2019, lợi nhuận của Lexus mới vọt lên hơn 100 tỷ đồng và duy trì mức này cho đến suốt giai đoạn 2020-2022. Riêng trong năm 2023, doanh thu “siêu khủng” cũng là năm Lexus Thăng Long báo lãi kỷ lục mức hơn 200 tỷ đồng.
Do chênh lệch “một trời một vực” giữa doanh thu và lợi nhuận sau thuế nên biên lợi nhuận ròng của Lexus Thăng Long dao động từ trên 2% đến gần 5%. Dù không quá cao nhưng nếu chỉ xét trong giai đoạn 5 năm gần đây thì biên lợi nhuận ròng của Lexus Thăng Long đã nhỉnh hơn cả một “ông lớn” chuyên bán xe Mercedes-Benz là HAXACO.