Không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa
Nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão, đồng thời, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Theo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện khả năng tự cung ứng của Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 20-70% nhu cầu. Lượng hàng thiếu sẽ được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang tích cực dữ trữ lượng hàng hóa, gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Cùng với đó, để ngăn chặn hiện tượng thiếu hàng “sốt” trong dịp Tết, Sở Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết xây dựng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tiếp tục giới thiệu nguồn cung hàng hóa của các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, qua đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đồng thời, hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp. Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng…
Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 nhằm sẵn sàng phục vụ Nhân dân, trong đó những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng. Cùng đó, các đơn vị bán lẻ đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả từ cách đây 3-6 tháng để chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, theo đó để kích cầu tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như: thường xuyên tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.
Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường…
Việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong các tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết: Sở Công Thương Hà Nội đã có sự chuẩn bị trước Tết khoảng 3 tháng để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cũng như các mặt hàng bảo đảm chất lượng để phục vụ người dân trên địa bàn thành phố. Theo đó, bên cạnh các giải pháp điều hành thị trường, dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân; khuyến khích hệ thống phân phối phối hợp với các địa phương triển khai chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người lao động; đồng thời, vận động các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình hội chợ triển lãm hàng Việt gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...