Ưu tiên sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách
Là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nên tổ chức và hoạt động của lực lượng này phải được xây dựng và triển khai phù hợp với tính chất tham gia hỗ trợ và nguyên tắc tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư. Nêu quan điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, các quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này chưa có tính thuyết phục về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong mối quan hệ với công an xã và thôn, tổ dân phố cũng như mối liên hệ với các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Dân quân tự vệ và các quy định khác của pháp luật về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Để tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ và quan trọng nhất là hạn chế tối đa kinh phí ngân sách nhà nước chi trả cho các hoạt động có liên quan, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, nếu xác định đây là tổ chức tự quản, thì việc quy định về tiêu chuẩn, mối quan hệ công tác, đặc biệt là quy định công an xã trực tiếp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này cũng như các quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm xây dựng lực lượng cần được xem xét, đánh giá lại để phù hợp với nguyên tắc tự chủ, tự quản.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trên địa bàn cấp xã và ở thôn, tổ dân phố hiện vẫn đang tồn tại lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách, thì nên tiếp tục sử dụng lực lượng này. Điều này cũng nhằm không phải tuyển mới, đồng thời cũng không phải huấn luyện, bồi dưỡng từ đầu, góp phần tiết kiệm chi ngân sách và nguồn lực. Thực tiễn cho thấy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở các cộng đồng dân cư không cần quá đông, chỉ cần dân phòng, bảo vệ dân phố và có thể huy động kiêm thêm bảo vệ của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để tổ chức thực hiện là vừa đủ, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, nếu cơ cấu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã có thành phần công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, thì cần ưu tiên hàng đầu cho lực lượng này nếu họ có nguyện vọng và cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật, không thể nói chung chung là “đã có thời gian phục vụ trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân”. Bởi thực tế cho thấy, lực lượng này chiếm số lượng khá nhiều, nhất là công an chính quy đã nghỉ công tác, bộ đội phục viên, xuất ngũ về địa phương.
Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, cần cân nhắc kỹ quy định tại khoản 3 Điều 16 dự thảo Luật, vì hiện nay đa số các phường, thị trấn đều đã thành lập đội dân phòng. Đồng thời, cần cân nhắc giữa các vị trí đội trưởng, đội phó đội dân phòng với tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ dân phố, nên chọn ai để bố trí vào vị trí tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự, tránh xảy ra tâm tư, mâu thuẫn không đáng có ở cơ sở.
Chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng
Cho rằng cần làm rõ một số nhiệm vụ của lực lượng này, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, xem xét bổ sung một nhiệm vụ là “hỗ trợ công an xã và các cơ quan công an cấp trên trong việc bảo vệ hiện trường khi xảy ra vụ án hình sự tại cơ sở và tham gia tố tụng với tư cách người chứng kiến trong một số hoạt động điều tra tội phạm khi có yêu cầu, cùng nhân dân địa phương khắc phục các hậu quả do tội phạm gây ra ở cơ sở”. Và, đây có thể coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng giải quyết hậu quả của tội phạm gây ra tại cơ sở và khi có sự tham gia của lực lượng này sẽ giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử sau này được khách quan và đúng pháp luật.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân. Chỉ rõ điều này, song ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng lưu ý, căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ được quy định trong dự thảo Luật thì đây sẽ là lực lượng có vai trò, tầm quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tinh vi, thì vai trò của lực lượng này càng trở nên quan trọng. Nếu tổ chức tốt, thì lực lượng này có thể phát huy tốt vai trò trong thực hiện 6 nhiệm vụ được giao như thể hiện trong dự thảo Luật. Qua đó, tăng cường tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở; hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an nhân dân trong việc bảo đảm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với tính chất hoạt động, nhiệm vụ và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như vậy, nhiều đại biểu kiến nghị, cần chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng đối với các cá nhân tham gia lực lượng. Việc nâng cao tiêu chuẩn sẽ góp phần thu hút, tuyển chọn được những người xứng đáng có tiếng nói, có uy tín tại cộng đồng tham gia, từ đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân, thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp của người dân đối với lực lượng này.