Chính danh và hợp pháp
Năm 1919, khi gửi bản yêu sách tám điểm tới Hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Sau đó, năm 1922, trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Người khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu thơ: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Là người đã có 30 năm hoạt động ở nước ngoài, từng sống ở những trung tâm hành chính nổi tiếng của Âu - Mỹ, đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tổ chức hành chính và hình thức nhà nước của xã hội tư bản, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bên cạnh phát hiện ra những hạn chế, thối nát cố hữu của chủ nghĩa Tư bản, Người cũng đồng thời nhận thức những ưu việt của một xã hội được cai trị bằng luật pháp. Một trong những điều đó là tôn trọng sự chính danh, hợp pháp. Điều đó giải thích tại sao trong thời gian chưa đầy nửa tháng sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 - mặc dù cuộc tổng khởi nghĩa là chính nghĩa, được đại đa số nhân dân hưởng ứng, dù đang trong tháng 7 âm lịch - tháng người Việt kiêng tổ chức những việc trọng đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lập tức chỉ đạo tổ chức lễ công bố thành lập nước.
Và ngày 2.9.1945, trước hàng chục vạn người Việt Nam và những đại diện chủ chốt của phái bộ Đồng Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trích Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. (1) Như vậy, theo Tuyên ngôn Độc lập, các quyền của con người là do tạo hóa ban cho, và những quyền đó là bất khả xâm phạm. Điều thú vị của việc Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, theo bà Lady Borton, nhà văn hóa, nhà báo Hoa Kỳ, “… Ông không hề trích dẫn. Trái lại, Hồ Chí Minh đã sửa đổi tài liệu đó để khẳng định cách nhìn của ông. Bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ viết: “We hold these truths to be self evident, that all, men are created equal…” (Chúng tôi coi đây là những chân lý hiển nhiên rằng mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng). Nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh bắt đầu bằng ‘Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng’ (All people are created equal)”.
Việc sửa mấy từ “mọi đàn ông” thành “tất cả mọi người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản ánh việc chính phủ của Người chủ trương trao quyền dân chủ cho mọi người, không căn cứ tài sản, giới tính…
Với các nội dung được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập, dựa trên các cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế không ai có thể chối cãi được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính chính danh và hợp pháp của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Luôn vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc
Để bảo đảm thực thi quyền con người, nhất định phải xây dựng một hệ thống luật pháp, xây dựng những chế tài rõ ràng bảo đảm quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mọi công dân. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Chỉ có mấy tháng, từ cuối 1945 đến đầu 1946, Chính phủ đã ráo riết tổ chức thành công tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và đích thân Người chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946.
Ngày 9.11.1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp. Điều thứ 1 của Hiến pháp xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Chương 2 nêu nghĩa vụ, quyền lợi công dân và khẳng định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”.
Trong Hiến pháp 1946, để phù hợp với bối cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương phải tuyên bố tự giải tán (sự thực là lui vào hoạt động bí mật), phù hợp với thực tế là phải chia quyền lãnh đạo nhà nước cho hai đảng đối lập, tay sai Tưởng là Việt Quốc và Việt Cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ứng dụng linh hoạt thiết chế Chủ tịch nước, bằng việc đặt chức vụ Chủ tịch nước đồng thời đứng đầu ngành hành pháp, kiêm nhiệm Chủ tịch Chính phủ, nhiệm kỳ tách biệt với nhiệm kỳ Nghị viện nhân dân (nhiệm kỳ của Nghị viện nhân dân là 3 năm) và không phải chịu trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc (Điều 50) nhằm tránh việc các quyết định quan trọng của đất nước bị ảnh hưởng bởi phía Việt Quốc, Việt Cách trong Nghị viện nhân dân.
Khi trao cho Chủ tịch nước quyền hạn rất lớn và được miễn trừ trách nhiệm, Hiến pháp đồng thời có những quy định nhằm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu quốc gia: Chủ tịch nước do Nghị viện bầu trong số các nghị viên. Những Hiệp ước do Chính phủ (mà thực chất là do Chủ tịch nước) ký kết với nước ngoài cần có sự phê chuẩn của Nghị viện.
Đồng thời, ngay cả trong quyền lực hành pháp của mình, Chủ tịch nước vẫn phần nào bị kiểm soát khi Hiến pháp quy định chế độ tiếp ký của các bộ trưởng đối với các sắc lệnh của Chính phủ sau khi có chữ ký phê chuẩn của Chủ tịch nước - nếu bộ trưởng chưa ký thì sắc lệnh đó chưa có hiệu lực. Điều này thể hiện rằng cần phải có sự đồng thuận của các thành viên trong Chính phủ thì Chủ tịch nước mới có thể thực thi quyền lực. (2)
Ở thời đầu dựng nước, với uy tín tuyệt đối của mình, khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp 1946, chủ động hoạch định quyền lực cho chính mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát vì lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn dân tộc. Người xây dựng “quyền” để bảo đảm vai trò lãnh đạo của nhà nước, phục vụ công cuộc kháng chiến - kiến quốc, đồng thời cũng tạo ra “hạn” để bảo đảm dù là người lãnh đạo cao nhất cũng phải thượng tôn pháp luật.
Các nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đều đồng thuận rằng: Hồ Chí Minh xếp ngang đức trị và pháp trị. Quả vậy, bên cạnh việc quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật, giáo dục nhân dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật, đào tạo đội ngũ thực thi pháp luật có kiến thức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ… Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức cho mọi người. Trong đó, Người coi việc nêu gương của chính bản thân mình có vai trò không nhỏ.
24 năm liên tục được Đảng và nhân dân giao giữ các cương vị chủ chốt cao nhất: Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ, có thời gian kiêm cả Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh luôn là người thượng tôn pháp luật. Chúng tôi có thể kể ra đây hàng trăm câu chuyện về sự tôn trọng và tự giác chấp hành luật pháp của Người, từ việc nhỏ như dừng đèn đỏ ở ngã tư giao thông, làm đơn xin phép vắng mặt một kỳ họp Quốc hội, triệt để tiết kiệm từ ngân quỹ đến phương tiện ăn, ở, đi lại làm việc để giảm thiểu chế độ phục vụ, cho đến việc lớn là Người đau đáu cả đời để làm sao xây dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật; mà điều đầu tiên cần là có được đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên…
Hà Nội, tháng 8 năm 2020
_____________
- Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, Tập 4, Tr.1
- Dẫn theo: Luật gia Phan Hoàng Linh, Quyền lực của Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946, báo Giáo dục Việt Nam, 31.1.2013.