Diễn biến dịch Covid-19 tới đây chắc chắn rất phức tạp và khó lường không chỉ ở Hà Nội mà trên phạm vi cả nước. Thực tế này càng khiến dư luận “tăng xông” với bệnh nhân số 17. Có thể cô gái ấy không phải là nguồn lây nhiễm duy nhất đối với những ca dương tính ngồi cùng chuyến bay từ London về Hà Nội nhưng chắc chắn ở cô có sự bất cẩn, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Vậy còn những người “đua nhau” mua sắm lương thực, thực phẩm, săn lùng khẩu trang bằng mọi giá - ai trong số họ từng trách móc, lên án bệnh nhân số 17 thiếu trách nhiệm với cộng đồng? Liệu họ có nghĩ rằng hành động thu gom nhu yếu phẩm nhiều hơn mức cần thiết, gây hoang mang dư luận và có thể tạo ra tình huống khan hiếm hàng hóa giả tạo, cũng biểu hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng hay không?
Cuộc sống thời Covid-19 thật không dễ dàng và nhiều bất tiện với tất cả mọi người, nhưng càng trong nguy nan chúng ta càng phải điềm tĩnh và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Việc kiểm soát dịch sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, nhờ đó cả cộng đồng hưởng lợi, nếu mỗi người dân đều làm tốt việc của mình. Đó là chấp hành tốt hướng dẫn phòng bệnh của ngành y tế; tự giác khai báo y tế một cách trung thực, chính xác; trong mọi hoàn cảnh luôn là một người tiêu dùng thông thái để có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ cả những người xung quanh, cộng đồng; và nhất là đừng để chính quyền chống dịch đã mệt lại còn phải lo đối phó với tin giả, tin thất thiệt.
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua chỉ có điều ta không biết đó là lúc nào. Là nước có độ mở kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, nước ta sẽ phải chịu liền 2 cú sốc cả ở phía cung lẫn phía cầu nếu dịch bệnh kéo dài và lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Vì thế cùng với tâm thế quyết liệt chống dịch, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương còn phải điềm tĩnh tính toán các kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế.
Hai tháng qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đây mới là ảnh hưởng đợt 1 của dịch, liên quan đến Trung Quốc. Ảnh hưởng đợt 2 sẽ là Hàn Quốc và đợt 3 nguy hiểm hơn cả là toàn cầu khi dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều quốc gia. Lúc này, hướng đi sống còn để thúc đẩy tăng trưởng là phải dựa vào nội lực.
Theo kế hoạch, giải ngân đầu tư công năm nay khoảng 470 nghìn tỷ đồng, tương đương 7,8% GDP và tăng gần gấp đôi năm ngoái. Dòng tiền này không chỉ tác động trực tiếp đến sức cầu mà còn là vốn mồi, lôi kéo thêm vốn đầu tư từ khối tư nhân và khu vực nước ngoài, tạo sức lan tỏa cao cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên giải ngân đầu tư công vẫn còn rất chậm, 2 tháng mới giải ngân được 34,7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,4% kế hoạch. Trong khi nguồn tiền ngân sách đã có sẵn thì rất nhiều ách tắc đang làm chậm lại dòng vốn vô cùng quý giá này. Đây là nút thắt mà các bộ, ngành và địa phương phải gỡ cho bằng được như một cách thể hiện trách nhiệm của mình với người dân và đất nước.