Nhiều tác động bất lợi
Năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt… Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp giảm mạnh...
Đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, bối cảnh trên đã tác động kéo giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tác động đến công tác thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan. Trong bối cảnh đó, để phấn đấu đạt chỉ tiêu thu ngân sách được giao năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã sớm ban hành Chỉ thị về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế điện tử và thông quan 24/7.
Thống kê đến ngày 31.12.2023, ngành hải quan đã triển khai thu thuế điện tử và thông quan 24/7 với 42 ngân hàng; thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với 47 ngân hàng; có 8 ngân hàng đã triển khai công tác nhờ thu. Nhờ tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2023, ngành hải quan thu nộp ngân sách nhà nước đạt 369.093 tỷ đồng.
Đề ra giải pháp ngay từ đầu năm
Bước sang năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn đối diện với nhiều thách thức, biến động khó lường; để hoàn thành dự toán thu được giao, ngành hải quan đã đề ra nhiều giải pháp triển khai ngay từ đầu năm.
Cụ thể, toàn ngành tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, thí điểm nộp thuế qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bảo đảm cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.
Tổng cục Hải quan yêu cầu, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm túc quản lý thu ngân sách ngay từ đầu năm 2024; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu ngân sách. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố đã và đang xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra.