Cơ quan bảo hiểm xã hội đứng ra khởi kiện là không phù hợp
Quy định như Điều 37, dự thảo Luật sẽ làm cho cơ quan bảo hiểm xã hội "suốt ngày chỉ lo việc khởi kiện". Nêu vấn đề này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, tại Khoản 4, Điều 37 có những điểm chưa phù hợp, vì việc trốn đóng bảo hiểm xã hội là đã vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện. Do vậy, khi đã xử lý hành chính theo pháp luật và có hành vi cấu thành tội phạm thì phải xử lý thành hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội nếu đặt trong mối quan hệ với người lao động sẽ lại là khởi kiện dân sự, thì lúc này chủ thể không còn là cơ quan bảo hiểm xã hội nữa mà phải là người lao động hoặc cơ quan công đoàn đại diện cho họ để đại diện khởi kiện. Thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đứng ra khởi kiện sẽ không phù hợp về pháp luật.
Phân tích vấn đề từ góc độ người lao động, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, dù khởi kiện có thắng thì người lao động sẽ chưa được hưởng ngay quyền lợi. Vì vậy, cần có giải pháp thực thi bản án có hiệu lực để người lao động được thụ hưởng đầy đủ chính sách. Đại biểu đề nghị, trong Quỹ Bảo hiểm xã hội cần nghiên cứu có một khoản để chi cho phần người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm.
Hài hòa chính sách rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Những năm gần đây dư luận "rộ lên" chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần. Nêu thực tế này, song theo các đại biểu, cần có quy định khuyến khích người lao động có nhiều lựa chọn khi gặp khó khăn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng sau này vẫn nên chấp nhận cho đóng bù lại khoản rút, sau đó tiếp tục nộp bảo hiểm xã hội. Phải có phương án để tạo điều kiện cho người đóng bảo hiểm lúc khó khăn được rút bảo hiểm, nhưng đồng thời vẫn phải chặt chẽ trong quy định để không xảy ra chuyện rút bảo hiểm rồi nộp lại tùy ý, ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) nhấn mạnh.
Đối với Điều 70 về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, Chính phủ đã phân tích tính ưu và nhược của 2 phương án. Theo đại biểu, thực tế nhu cầu của người lao động là cần rút một lần, nên cần xem xét kỹ lưỡng, không để thiệt thòi cho người lao động. Do đó, cần bổ sung, đối với người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm trước khi Luật có hiệu lực, thì được rút bảo hiểm xã hội một lần khi có nhu cầu và ở mức hưởng là 70% thời gian đã tham gia tính tới thời điểm hưởng sau 12 tháng nghỉ việc; 30% thời gian còn lại có thể tích lũy cho việc hưởng lương hưu hoặc cộng vào để hưởng sau này.
Đại biểu cũng cho rằng, không nên quy định cho rút hết hẳn một lần, vì còn có những quyền lợi phía sau và nếu rút hết một lần sẽ ảnh hưởng tới an sinh, cuộc sống của chính người rút bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng phải dung hòa đối với quyền lợi của người đóng bảo hiểm xã hội chứ không nên quy định cấm hoàn toàn, hay chỉ cho rút một phần nhỏ. Tương tự đối với phương án 2, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân mong muốn quy định theo hướng có tỉ lệ rút một phần, chứ không để rút hết một lần.
Đồng tình với các ý kiến trên, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho rằng, nên tiếp tục kế thừa các chính sách hiện đang có lợi cho người lao động, chứ không thể dừng đột ngột sẽ dễ dẫn đến những phản ứng xã hội khó lường trước hết. Ở một mức độ nào đó, người lao động tư duy đây là quyền lợi khi đóng vào bảo hiểm xã hội, trong khi đó, dự thảo Luật chưa gợi ý cụ thể chính sách nào để giữ người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu chỉ ra gần 70% số người rút bảo hiểm xã hội một lần là nhóm lao động trẻ, xoay quanh 30 tuổi. Đây là tuổi định hình nghề nghiệp còn chưa chắc chắn, nhưng sắp tới chúng ta xem xét giảm thời gian đóng bảo hiểm còn 15 năm, thì rất nhiều cơ hội để người lao động có thể tìm công việc khác. Do đó, cần có sự tương tác và phân tích chéo để tìm ra giải pháp tối ưu hơn cả.