"Hỏi – đáp có cần thiết ban hành nghị quyết về chất vấn?”
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND; khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cơ sở, ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho biết: Các kỳ họp HĐND tỉnh còn có nội dung đưa ra chất vấn, còn tại các kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã rất ít nội dung để chất vấn, chủ yếu là đại biểu hỏi – đáp… “Hỏi – đáp như vậy có cần thiết ban hành nghị quyết về chất vấn không?”- nhấn mạnh điều này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề xuất không quy định cứng nhắc các phiên chất vấn phải ban hành nghị quyết, mà nên quy định mở: Trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND trình HĐND ban hành nghị quyết về chất vấn… sẽ khả thi hơn.
Dẫn quy định tại Điều 69: Hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp hoặc các hình thức thông tin trực tiếp khác…, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, quy định như vậy không khả thi. Bởi, các tỉnh miền xuôi hay những tỉnh có điều kiện sẽ đầy đủ trang thiết bị hiện đại để có thể truyền hình trực tiếp. Song, như với tỉnh Lai Châu, để truyền hình trực tiếp rất khó khăn, vì cần cả một ê – kíp lớn, bởi địa phương chưa đủ điều kiện để đầu tư trang thiết bị hiện đại chuyên dụng… Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn nội dung này.
Về quy định tại khoản 47 (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 81): Báo cáo kết quả, kết luận giám sát của Ban HĐND gửi đến Thường trực HĐND, HĐND và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát… đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cụ thể hơn (về thể thức văn bản, kết luận…) để có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.
ĐBQH Dương Thanh Bình (Cà Mau) đề nghị: không bổ sung tiêu chí lựa chọn hoạt động giám sát vào dự thảo luật. “Bởi, hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp quá trình hoạt động chất vấn, gom lại từng nhóm vấn đề và xin ý kiến các ĐBQH, sau đó quyết định dựa trên đa số ý kiến của các ĐBQH… Tôi cho rằng quyết định này sẽ phù hợp với những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và dư luận xã hội quan tâm”, đại biểu lý giải.
Đồng thời, đại biểu Dương Thanh Bình cũng đề nghị các vấn đề về kinh tế - xã hội cần phải được bàn, thảo luận ở kỳ họp giữa năm; còn các báo cáo khác có thể chuyển sang kỳ họp cuối năm.
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri (khoản 20, khoản 21 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 30 và Điều 31 của Luật Hoạt động giám sát), đại biểu Dương Thanh Bình cho biết: Tờ trình và dự thảo Luật đã nêu 2 phương án. Tuy nhiên, nên lựa chọn phương án 1 nhằm luật hóa quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Quy định cụ thể hơn các nội dung hàng rào kỹ thuật trong thương mại
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc sửa đổi luật lần này sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
“Trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, quá trình tham gia vào tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi các quốc gia cần có quy định cụ thể về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia để thuận tiện cho hoạt động hợp tác quốc tế, thuận lợi hóa thương mại…”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, hiện nay ở Việt Nam có gần 14.000 tiêu chuẩn TCVN, trong đó khoảng 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài, số còn lại là tự xây dựng. Việc xây dựng TCVN dựa trên chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài được thực hiện bằng các phương pháp, như: Hoàn toàn tương đương: Chấp nhận hoàn toàn, chuyển dịch sang tiếng Việt và biên tập theo cấu trúc TCVN. Tương đương có sửa đổi: Chỉ chấp nhận một phần hoặc một số phần trong nội dung tiêu chuẩn gốc. Không tương đương: Được coi là không chấp nhận.
“Đối với phương pháp hoàn toàn tương đương, hàng năm có vài trăm TCVN ra đời dưới dạng này… Tuy nhiên, điều này dẫn đến mất thời gian, gây lãng phí ngân sách chi...”, đại biểu nêu rõ.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, nên chăng có thể sử dụng phương pháp tờ bìa như ở quốc gia Malaysia, nghĩa là cơ quan tiêu chuẩn hóa phê duyệt danh mục tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài... được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, sau đó cấp số và giữ nguyên nội dung bằng tiếng Anh bên trong (chỉ thay đổi tờ bìa thành tiêu chuẩn của họ).
Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về nội dung minh bạch hóa, trình tự, thủ tục hành chính và nội dung hỗ trợ doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân trong hoạt động thông báo/hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại… Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ và đúng hơn về các từ ngữ, như: “Thử nghiệm thành thạo”, “tiêu chuẩn nước ngoài”…;
Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị bổ sung nội dung “hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” vào chiến lược tiêu chuẩn quốc gia; bổ sung nguyên tắc ổn định (ví dụ, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy) vào nguyên tắc cơ bản của xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…