Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật còn nhằm bảo đảm tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát. Đồng thời bổ sung các quy định mới; hoàn thiện các quy định đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được tổ chức thi hành ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là cần thiết, phù hợp, có hiệu quả.
ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 7, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định đối với trách nhiệm của UBND ở những nơi không có HĐND cùng cấp thì việc gửi quyết định mà mình đã ban hành đến HĐND cấp trên chậm nhất là 3 ngày ký văn bản vì trong dự thảo Luật chỉ nêu UBND có trách nhiệm gửi quyết định mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp có liên quan chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ký văn bản. Quy định như thế sẽ phù hợp với Khoản 1, Điều 5a về thẩm quyền giám sát của HĐND cấp trên đối với chính quyền đô thị.
Về Khoản 3, Điều 7, đại biểu đề nghị bổ sung thời gian chậm nhất bao nhiêu ngày thì cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu. Trường hợp không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó của mình. Theo đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, quy định như vậy sẽ thiếu thời gian cụ thể, khi triển khai thực tế các đơn vị chịu sự giám sát có tình trạng chậm trễ, gây khó khăn cho hoạt động giám sát.
Về Khoản 3, Điều 8, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Ban soạn thảo nên quy định thời gian bao nhiêu ngày sau khi có kết luận giám sát thì tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát gửi báo cáo yêu cầu việc xem xét lại kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đồng thời bổ sung trong thời hạn bao nhiêu ngày thì chủ thể giám sát có trách nhiệm trả lời yêu cầu của tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát liên quan xem xét lại kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.
Liên quan đến vấn đề giám sát, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị chỉ nên giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên thực hiện giám sát các đơn vị hành chính cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Đối với hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, tại Khoản 2, Điều 15, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung căn cứ lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là đề xuất của Đoàn Đại biểu Quốc hội vì thực tiễn thời gian qua, trước các kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đều có băn bản đề nghị các Đoàn Đại biểu Quốc hội đề xuất nhóm vấn đề chất vấn và tại các kỳ họp đều có báo cáo tổng hợp đề xuất của các Đoàn gửi các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi quyết định lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn.
ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cùng tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi luật, nhất là những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ.