Chiều 22.11, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum (Tổ 8) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Cân nhắc tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn
Tại phiên họp, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những hạn chế trong quá trình thực hiện luật hiện hành.
Dự thảo Luật quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND là vấn đề mang tính thời sự, xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước và những vấn đề khác.
Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị cân nhắc việc sử dụng từ ngữ “xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước” trong tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn tại dự thảo Luật.
Đại biểu cho rằng, thực tế thời gian qua không phải vấn đề được lựa chọn chất vấn đều là vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hay có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước mà thường chỉ là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương được nhiều ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri quan tâm.
“Đôi khi chất vấn cũng chính là một kênh truyền thông rất tốt để dư luận nắm được thực chất vấn đề, chứ không nhất thiết vấn đề được lựa chọn chất vấn phải là những vấn đề xảy ra nhiều vi phạm pháp luật. Việc sử dụng từ ngữ như vậy sẽ gây tâm lý không thoải mái đối với người được lựa chọn để chất vấn”, đại biểu Lò Thị Luyến nói.
Quy định Đoàn giám sát phải có 3 ĐBQH: Có lúc không thực hiện được
ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề xuất sửa quy định về số lượng thành viên Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH.
Tại khoản 1, Điều 52 của Luật hiện hành quy định: Đoàn giám sát do Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn và có ít nhất 3 ĐBQH là thành viên Đoàn ĐBQH tham gia Đoàn giám sát.
“Quy định này đang gây khó khăn cho những đoàn có ít ĐBQH nhưng lại chưa được sửa đổi lần này”, đại biểu Phạm Đình Thanh nói.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay, trong 63 Đoàn ĐBQH thì có trên 40 Đoàn có không quá 7 ĐBQH và có 1 số đoàn chỉ có 5 ĐBQH. Các Đoàn chỉ có 1 ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; các đại biểu khác ở Trung ương và địa phương chủ yếu kiêm nhiệm đều bận rất nhiều công việc chuyên môn.
“Vì vậy, việc thành lập Đoàn giám sát có từ 4 đại biểu trở lên, tức là gồm Trưởng đoàn và ít nhất 3 ĐBQH là thành viên luôn rất khó khăn, có thời điểm không thực hiện được”, đại biểu Phạm Đình Thanh phản ánh.
Vì thế, cần sửa đổi quy định này theo hướng: Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH do Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn và có ĐBQH là thành viên của Đoàn tham gia Đoàn giám sát. Tùy tình hình thực tế, Đoàn ĐBQH có thể thành lập Đoàn giám sát gồm 2 - 3 ĐBQH.
Điều này nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn ĐBQH các địa phương chủ động trong tổ chức hoạt động giám sát - như mục tiêu tiến hành sửa Luật lần này.
Hơn nữa, Quốc hội cũng đang yêu cầu Đoàn ĐBQH các địa phương phải tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn và giám sát của cá nhân đại biểu về việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh nói.
Đại biểu cũng khẳng định, sửa đổi theo hướng như vậy “không ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát”. Bởi lẽ, khi Đoàn ĐBQH thành lập Đoàn giám sát, thì ngoài thành viên là ĐBQH, căn cứ vào nội dung, yêu cầu giám sát, Đoàn ĐBQH có thể mời đại diện các cơ quan hữu quan tham gia Đoàn giám sát với tư cách thành viên.
“Hiện nay, cá nhân ĐBQH cũng có thể tổ chức giám sát theo trách nhiệm, thẩm quyền quy định tại Điều 53 của Luật hiện hành. Vậy Đoàn giám sát có từ 2 - 3 ĐBQH có thể thực hiện tốt hoạt động giám sát”.
Cùng quan điểm, đại biểu Lò Thì Luyến đề nghị sửa đổi nội dung này theo hướng không quy định "cứng" số lượng ĐBQH tham gia Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH để phù hợp với tình hình thực tiễn và tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện Luật.