Thảo luận tại Tổ 5 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Cần có lộ trình tăng thuế phù hợp, tránh ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang) về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng nay, 22.11, các đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đưa ra lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp trong 3 - 5 năm tới với một số mặt hàng đặc thù, tránh gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Xem xét toàn diện việc thu thuế với nước giải khát có lượng đường trên 5g/100ml

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành được sửa đổi để hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách...

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định tại luật để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và điều tiết tiêu dùng của xã hội, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước, thực hiện cam kết quốc tế.

dieu-hanh.jpg
Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Tán thành với việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết, khi lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn nhận được nhiều ý kiến phản ánh chính sách thuế của nước ta hiện khá nhiều, một số mặt hàng chịu mức thuế cao.

Điều này một mặt tạo nguồn thu cho ngân sách, nhưng mặt khác cũng gây khó khăn cho người nộp thuế. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi bổ sung mặt hàng chịu thuế, tăng mức thuế với một số hàng hóa.

thai-quynh-mai-dung.jpg
ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lê Bình

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe nhân dân, cũng như theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị cần xem xét một cách toàn diện đề xuất này, vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

Tại báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa ra nhiều số liệu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng nhanh trong 10 năm qua. Nhưng, theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, cần đặt trong bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em, đặc biệt ở miền núi nước ta cũng vẫn còn rất cao.

Việc tăng giá sản phẩm này dù không đáng kể cũng sẽ khiến cho trẻ em ở đây vốn đã ít có cơ hội được uống nước giải khát sẽ càng khó tiếp cận các mặt hàng này hơn. Trong khi đó, điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể không làm giảm lượng tiêu thụ nước giải khát có đường ở trẻ em tại các đô thị, vì sự chênh lệch về giá thành trước và sau khi áp thuế so với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này không đáng kể.

Phân tích tác động đối với thu ngân sách của đề xuất này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung dẫn Báo cáo đánh giá tác động kinh tế của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do Viện Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện và công bố trong tháng 10.2024 này.

Theo đó, nếu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát, thì thu ngân sách từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm sẽ giảm khoảng 4.978 tỷ đồng từ thuế gián thu, chưa kể đến mức giảm tương ứng từ thuế trực thu.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng.

Do vậy, Viện Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

Xem xét kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cũng nhận thấy, ở nhiều quốc gia đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cũng áp thuế với mặt hàng nước uống - là mặt hàng được WHO khuyến khích tiêu dùng. Tức là, không phải quốc gia nào cũng áp dụng chính sách thuế này, vì mục đích sức khỏe mà chỉ đơn thuần là đưa tất cả các loại đồ uống vào diện chịu thuế.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả cả về sức khỏe và kinh tế của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt là trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, “chỉ những vấn đề đã chín, đã rõ thì sửa, vấn đề nào chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu", đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm và chưa đưa vào Luật mặt hàng còn nhiều ý kiến khác nhau này. Đồng thời, nghiên cứu triển khai các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp.

sung-a-lenh.jpg
ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lê Bình

Cũng về mức thuế suất, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề xuất, áp dụng phương án thứ hai trong áp mức thuế suất với các mặt hàng rượu, bia, xì gà, thuốc lá, tức là áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn và có lộ trình tăng thuế nhanh hơn.

Bởi, theo đại biểu, việc mức tăng thuế nhanh và mạnh sẽ giúp giảm ngay lập tức việc sử dụng thuốc lá, rượu, bia, mang lại hiệu quả sớm ngay sau khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. “Nếu tăng từ từ thì người sử dụng lại có thời gian để thay đổi, đáp ứng với sự tăng thuế chậm hơn”, đại biểu nêu rõ.

Cân nhắc bổ sung dòng xe điện Hybid không có sạc ngoàiđược ưu đãi thuế

Tại Quyết định 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nêu rõ “rà soát nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường”.

Đối chiếu với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nhận thấy, tại Điều 8, dự thảo Luật dù đã sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường, nhưng chưa có quy định bổ sung liên quan tới việc khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường như dòng xe điện Hybid (HEV- Hybrid Electric Vehicle) được hưởng ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.

duong-van-an.jpg
ĐBQH Dương Văn An (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lê Bình

Nhằm khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường theo đúng mục tiêu của việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này, các ĐBQH Dương Văn An (Vĩnh Phúc), Dương Văn Phước (Quảng Nam), Nguyễn Văn Mạnh… đề nghị bổ sung vào điểm đ, Điều 8 “dòng xe điện Hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế tại Điều 8 Luật này” ; đồng thời sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện có sạc ngoài từ mức 70% xuống 50% so với dòng động cơ đốt trong cùng loại.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, trên thị trường nước ta, dòng xe ôtô chạy xăng kết hợp với năng lượng điện Hybrib có 2 hình thức: có hệ thống sạc riêng và không có hệ thống sạc riêng, tức tự sạc.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật mới chỉ quy định loại xe có hệ thống sạc riêng được hưởng 70% mức thuế tiêu thụ đặc biệt so với dòng xe động cơ đốt trong cùng loại. Dòng xe Hybrib tự sạc vẫn chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 100%. Trong khi dòng xe tự sạc cũng tiết kiệm sử dụng nhiên liệu khoảng 30% so với xe xăng, phát thải khí thải thấp, ít ô nhiễm môi trường.

Về việc sửa đổi thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị, xem xét một lộ trình và mức độ tăng thuế phù hợp để tránh ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang sử dụng đến 64% loại xe này.

Bởi lẽ, việc tăng thuế ở mức cao và một lần như đề xuất sẽ khiến giá thành sản phẩm này tăng một cách đột biến, ảnh hưởng lớn đến chi phí của các doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng loại xe này. Việc tăng thuế cũng có thể khiến sản lượng bán hàng giảm và từ đó mức thu ngân sách cũng không đạt được như kỳ vọng.

Với các lý do nêu trên, đại biểu cho rằng, cần xem xét một lộ trình tăng thuế trong vòng từ 3-5 năm cho mặt hàng đặc thù này.

Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Sáng nay, 4.12, tại Thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản

Sáng nay, 4.12, tại Thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản

Đúng 19h10 tối 3.12, (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 - 7.12 theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.