Phân biệt rõ chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), phạm vi dự án Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành, nhưng thực tế đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung, do vậy cần có sự rà soát, đánh giá thêm.
Dự thảo Luật quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội là: những vấn đề mang tính thời sự, gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp, thuộc nhiều lĩnh vực… Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tương tự như vậy.
Đề nghị, cần phân biệt rõ chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội cần quy định những vấn đề về xây dựng và thực thi pháp luật, vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp, thuộc nhiều lĩnh vực và là những vấn đề đang có biểu hiện bất cập và có tính cấp bách.
“Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tương tự như tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, nhưng khác ở điểm là những vấn đề không có tính tổng hợp cao, không phải nhiều lĩnh vực mà là vấn đề ở một hoặc một số lĩnh vực cụ thể hoặc trên phạm vi một số địa phương. Như vậy mới thấy rõ sự khác nhau giữa chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Quy định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH địa phương
Lưu ý, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có nhiều điều, khoản mang tính chất định tính, như: khi xét thấy cần thiết... (Điều 4, 5,17, 24, 40, 42, 78, 81); trong trường hợp cần thiết... (Điều 16, 23, 71); tùy theo tính chất, mức độ... (Điều 7)... mà không có giải thích cụ thể về định lượng, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị cần bổ sung quy định mang tính định lượng để xác định trường hợp phạm vi, đối tượng, tính chất khi thực hiện hoạt động giám sát, nhằm thống nhất cách hiểu, nguyên tắc áp dụng, tránh việc áp dụng tùy nghi trong thực tiễn.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH; quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
Tại khoản 1, Điều 52, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định, giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH phải có ít nhất 3 ĐBQH là thành viên Đoàn ĐBQH tham gia, ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết, qua thực tế triển khai hoạt động giám sát tại địa phương, yêu cầu phải có 3 ĐBQH tham gia là rất khó khả thi.
Lý do là bởi, các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm nên có khi lịch tham gia giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH trùng với lịch công tác. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật cũng đã nêu, cá biệt có những Đoàn ĐBQH do thuyên chuyển công tác hoặc vì lý do khác, tại địa phương chỉ còn 1 - 2 đại biểu, không đủ điều kiện tổ chức giám sát.
Từ thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu và quy định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH địa phương, nhất là ở các Đoàn ĐBQH có số lượng đại biểu địa phương ít.
Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó có nhiệm vụ rà soát để bảo đảm mô hình tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ tinh gọn và hiệu quả hơn. Nêu vấn đề này, ĐBQH Phạm Phú Bình (Nghệ An) đặt vấn đề, việc dự án Luật được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ Chín thì có bảo đảm đồng bộ với tiến trình kiện toàn bộ máy tổ chức của Quốc hội và Chính phủ hay không? Vấn đề này cần được cơ quan soạn thảo làm rõ.