Thảo luận tại tổ 8 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nộp thuế

Sáng nay, 22.11, ngay sau phiên làm việc tại hội trường, các ĐBQH tham gia thảo luận tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). 

Thảo luận tại tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum) về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đại biểu đề nghị, trong tiến trình sửa đổi các luật thuế nói chung và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng, việc mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, tăng thuế... cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nộp thuế.

99223c994e1ff541ac0e.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận

Theo các đại biểu tại tổ 8, việc sửa đổi hai Luật nêu trên là cần thiết, nhằm góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Trong tiến trình sửa đổi các luật thuế nói chung và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng, các đại biểu đề nghị, việc mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, tăng thuế... cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nộp thuế.

Đặc biệt, Luật được ban hành phải bảo đảm tính bền vững, bao quát và công bằng để hướng tới giải quyết đầy đủ một vấn đề xã hội.

Góp ý vào dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) băn khoăn về việc ban soạn thảo đưa nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đề xuất này nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng được đặt ra trong Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5.1.2022 của Thủ tướng về Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

"Như vậy, nếu căn cứ nhiệm vụ nêu trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia, thì rõ ràng việc đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam là chưa bao quát đầy đủ, không những không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà Chiến lược Dinh dưỡng đã đặt ra mà còn có tác động ngược ở hai khía cạnh", đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Thứ nhất, tác dụng ngược với nhận thức của người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được rằng hàm lượng đường trong một số đồ uống có đường như nước ép hoa quả, sản phẩm từ ca cao, sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng còn cao hơn nước giải khát.

Sắc thuế sẽ gây hiểu lầm từ phía người tiêu dùng rằng chỉ cần không dùng nước giải khát có đường thì sẽ không bị bệnh thừa cân, béo phì. Người tiêu dùng có thể vẫn chọn lựa các sản phẩm đồ uống có lượng đường cao (nước ép, sản phẩm ca cao, sữa và thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng). Như vậy, sẽ không thể đạt được mục tiêu sức khỏe là giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Thứ hai, có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng. Giải trình của Chính phủ trong hồ sơ dự án Luật khi cho rằng bước đầu chỉ áp thuế với nước giải khát, còn các sản phẩm đồ uống có đường khác thì sẽ nghiên cứu thêm và xem xét áp dụng sau là chưa thật sự thuyết phục. Như vậy, vô hình chung việc ban hành sắc thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước giải khát có đường sẽ tạo sự phân biệt đối xử đối với ngành nước giải khát.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiến hành nghiên cứu tổng thể và đánh giá tác động kỹ lưỡng để xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường (bao gồm: nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng bột và lỏng, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu) cần phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

4ecbeb7899fe22a07bef.jpg
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận

Với mặt hàng bia rượu, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ làm rõ mức tăng thuế được đề xuất đã là mức thuế cân bằng, hiệu quả chưa và liệu có làm trầm trọng hơn vấn nạn rượu giả, rượu lậu tại Việt Nam không?

Đại biểu dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính đồ uống có cồn phi chính thức chiếm khoảng 25% tổng lượng tiêu thụ rượu toàn cầu, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam lên cao tới 63%.

Rượu phi chính thức phần lớn có giá thành thấp, thu hút người tiêu dùng có thu nhập thấp và người nghiện rượu, có mức độ gây hại nghiêm trọng hơn so với rượu được quản lý hợp pháp.

Trong bối cảnh như vậy, "tăng thuế có thể là biện pháp hiệu quả tới một mức độ nào đó, tuy nhiên cần tính toán nếu tăng thuế quá cao sẽ vô tình góp phần “tạo cơ hội” cho sản phẩm nhập lậu, hàng giả gia tăng, như vậy, nếu không cẩn thận người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm lậu có giá rẻ hơn.

Điều này "vô hình chung sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng hàng bất hợp pháp, đặc biệt trong phân khúc rượu vì giá thành cao hơn, mức thuế phải chịu cũng lớn hơn. Đi kèm với đó là áp lực lên các cơ quan quản lý thị trường và ngành y tế để giải quyết những hệ lụy do dùng rượu lậu, rượu tự chế", đại biểu Tạ Thị Yên phân tích.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025). Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội xem xét quy định lộ trình thực hiện Luật phù hợp hơn để các đối tượng bị tác động có thời gian điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều quốc gia cũng đưa ra lộ trình thực hiện để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với năm kế hoạch tài chính của doanh nghiệp và kỳ tính thuế thu nộp ngân sách nhà nước", đại biểu cho biết.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã chủ trì hội nghị làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Chiều 13.12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội nghị làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị
Thời sự Quốc hội

Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị

Sáng 12.12, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ “Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” tổ chức Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tặng hoa chúc mừng tập thể Liên minh HTX Việt Nam
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Tối 11.12, tại Nhà hát Quân đội, Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tham dự Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã (HTX) và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024. Sự kiện do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì tổ chức.

Hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo”
Chính trị

Hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo”

Ngày 11.12, tại TP. Đà Nẵng, Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Văn phòng Quốc hội và Đại sứ quán Anh tổ chức hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo” cho các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.