Cân nhắc việc cần bổ sung nguyên tắc mới
Phát biểu tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - đây vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu, điều kiện, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa xây dựng pháp luật với các lĩnh vực khác. Cùng với đó, bên cạnh chức năng lập pháp của Quốc hội, thì chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng phải đổi mới theo.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là một yêu cầu bắt buộc, là điều kiện, nền tảng đưa đất nước bứt phá, cất cánh trong kỷ nguyên mới. Pháp luật là hành lang pháp lý để các chủ thể phát huy tính sáng tạo và sáng kiến.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ yêu cầu phải có Chiến lược xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hiệu lực, hiệu quả gắn với đổi mới hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong Nghị quyết đã thể hiện rất rõ vấn đề đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; tiến tới một quy trình xây dựng pháp luật kịp thời, hiệu quả, khả thi, chuyên nghiệp, khoa học và Luật chỉ quy định những vấn đề chung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Nhấn mạnh tư duy đổi mới nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công việc xây dựng pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ nhiều lên, hệ thống văn bản pháp luật có thể phải sắp xếp lại theo hướng giảm tầng nấc. Đúng như yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW là: giảm tầng nấc văn bản; hạn chế tối đa việc ban hành pháp lệnh; luật hóa tối đa các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Tất cả những yêu cầu đó đều đòi hỏi phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng nhanh gọn, hiệu quả nhưng chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Điều này đồng nghĩa, công tác giám sát của Quốc hội cũng phải đổi mới theo.
“Quốc hội ban hành văn bản luật ngắn gọn, thì hướng dẫn quy định chi tiết sẽ thuộc thẩm quyền Chính phủ và các bộ. Làm sao để không lạm quyền, không phát sinh giấy phép con hay những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn, thì Quốc hội phải giám sát điều này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cho biết Quốc hội khóa XV đã và đang có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã tiến hành giám sát ngay từ đầu đối với việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và giám sát ngay trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật cũng là một tư tưởng mới.
Đồng thời, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó cần tăng cường giám sát các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ngay từ khi các văn bản này còn là dự thảo. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nội dung này chưa được thể hiện trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề cần thể hiện trong dự thảo Luật như thế nào về việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương ra sao?...
Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát (khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật hiện hành), Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nguyên tắc là tư tưởng chỉ đạo có tính xuyên suốt, không thay đổi, là kim chỉ nam trong thực hiện các công việc. Do đó, cần cân nhắc việc cần bổ sung nguyên tắc mới trong sửa đổi Luật lần này.
Nên chuyển thời điểm xem xét một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm
Liên quan tới quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, chuyển thời điểm xem xét các báo cáo thường niên từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp đầu năm là phù hợp nhằm cung cấp số liệu đầy đủ hơn. Đây cũng là điểm mới rất lớn, căn bản của dự thảo Luật lần này.
Dự thảo Luật hiện đang thiết kế 2 phương án để sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 Luật hiện hành.
Cụ thể, Phương án 1: Yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất với quan điểm không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Cũng tán thành việc chuyển thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, quy định như vậy sẽ góp phần điều hòa và giảm tải khối lượng công việc của kỳ họp cuối năm, tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong một năm và làm cơ sở đánh giá toàn diện kết quả công tác trong năm của cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, khắc phục được tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần để phục vụ việc xây dựng báo cáo trình Quốc hội.