Mặc dù gặp những “cơn gió ngược” nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm... Đây là những điểm sáng rất đáng ghi nhận của nền kinh tế nước ta mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn của tình hình trong nước và thế giới.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế - xã hội nước ta trong gần một năm qua cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại. Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, trong gần một năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với tác động mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo những rủi ro về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô. Trong khi đó, các vấn đề bất cập nội tại tích tụ qua nhiều năm của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế, khiến tình hình kinh tế Việt Nam vốn đang phục hồi mong manh sau đại dịch nay “đã khó lại còn khó hơn”.
Nếu như trong năm 2022, chúng ta có 2/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra thì theo báo cáo của Chính phủ, ước cả năm 2023 có tới 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Việc tiếp tục “lỡ hẹn”, thì đây chính là năm thứ 3 liên tiếp, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao chỉ tiêu này liên tục 3 năm không về đích đúng hạn?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động nước ta thấp chủ yếu do chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiếu hụt kỹ năng nghề. Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta chưa thể có sự đột phá về năng suất lao động khi tay nghề lao động kỹ năng số, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công việc, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn tay nghề chỉ chiếm 11%. Chúng ta cũng chưa thể yên tâm khi tỷ lệ lao động giản đơn, trình độ thấp chiếm tới 38%, chỉ có 35% nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong khi yêu cầu về chất lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao đang đặt ra ngày càng cấp thiết khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.
Trong phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, “nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế”. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Muốn đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn cần cải thiện được chất lượng của lực lượng lao động, trong đó có nguồn lao động trẻ. Cần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là đào tạo phải “học đi đôi với hành”. Có như vậy mới bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nhận diện được thực trạng, chỉ ra được nguyên nhân, để từ đó đề xuất được giải pháp đúng, trúng, hữu hiệu để khắc phục tình trạng chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội nhiều năm không đạt là điều rất cần thiết. Đừng để chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội lại một lần “lỡ hẹn”.