Trong đó, đáng chú ý là câu chuyện của ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) về 2 dự án trọng điểm xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các nhà đầu tư dự án này mất hơn 6 năm từ khi khởi động và hơn 3 năm từ ngày nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư - đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong suốt thời gian đó, tỉnh đã gửi 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, đấu nối giao thông, về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan. Vậy nhưng, việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm. Luật Đầu tư quy định tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày, nhưng đến nay hồ sơ dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Cũng đề cập tới môi trường kinh doanh, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, tình hình đã thông thoáng hơn rất nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn với các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… khó thực thi ngay từ khi khởi nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Báo cáo của Chính phủ gửi đến Kỳ họp thứ Tám cho biết, từ năm 2021 đến tháng 8.2024 đã có 3001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa và chiếm 18,9% trong số các thủ tục được rà soát. Kết quả này cho thấy nỗ lực cải cách của Chính phủ và các bộ, ngành; song phản ánh của các đại biểu Quốc hội cũng cho thấy việc này cần đi vào thực chất hơn nữa và hiệu quả hơn nữa.
Nhìn lại những năm qua, các phương án cắt giảm, đơn giản chi phí tuân thủ không có gì mới. Hầu hết vẫn tập trung bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có và/hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước. Hoặc, bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số tài liệu mẫu; giảm số lượng hồ sơ phải nộp; giảm thời gian giải quyết thủ tục… Các đề xuất này có tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng chưa “đủ mạnh”, chưa đột phá. Thậm chí, một số đề xuất cải cách còn mang tính hình thức; một số thủ tục, quy định bất cập, vướng mắc, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp chậm được sửa đổi, cắt giảm.
Nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đang rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, phá vỡ những điểm nghẽn thể chế là giải pháp thiết thực và yêu cầu cấp bách nhất nhằm tạo đà mới cho phát triển kinh tế. Và việc này cần bắt đầu bằng những việc cụ thể mà các đại biểu Quốc hội đã nêu ra. Đó là cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết; sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp...
Tại Kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Quốc hội khi sửa Luật Đầu tư cũng xem xét tạo “luồng xanh” - quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện - cho một số dự án chiến lược...
Rõ ràng, thủ tục, điều kiện kinh doanh hay các quy chuẩn, tiêu chuẩn… đều do bộ máy nhà nước sinh ra, nên việc khắc phục có thể nói là “nằm trong tầm tay”; không khó như giải quyết chuyện thiếu tiền bạc, thiếu nguồn lực, hoặc những vấn đề do môi trường thế giới…
Vì thế, vấn đề quan trọng của cải cách thủ tục, cải thiện môi trường là bộ máy nhà nước có thực sự “xắn tay” vào việc hay không! Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về đổi mới, về cải cách từ Trung ương đến địa phương.