Sáng mai, 12.11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội, trong đó có nội dung về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội và vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phiên chất vấn được cử tri, đặc biệt là giới báo chí hết sức quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.
Gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trước sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội, báo chí vẫn giữ vững vai trò của mình, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội mà còn phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...
Tuy vậy, các cơ quan báo chí cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, những tác động sâu sắc, toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiệm vụ xây dựng một nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định đòi hỏi cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phải được khẩn trương sửa đổi toàn diện, căn cơ.
Ở góc độ quản lý nhà nước, có thể thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện rất nhiều biện pháp, cả về xây dựng thể chế, nguồn lực để thúc đẩy hoạt động báo chí. Trong đó, về thể chế, Bộ đã hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách lớn, gồm: tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo và lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Đặc biệt, Bộ đã nỗ lực điều hướng để thúc đẩy nguồn thu quảng cáo "chảy" vào báo chí nhiều hơn; ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; trình Thủ tướng Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó đã chi tiết hóa nội dung dịch vụ lĩnh vực báo chí để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện. Bộ cũng đã kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của cơ quan báo chí và kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí...
Cùng với đó là những dấu ấn của Bộ trong thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số báo chí như: xây dựng, công bố Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo; thử nghiệm giải pháp công nghệ số để giám sát và báo cáo vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số; ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; công bố xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí; phát hành sổ tay điện tử về chuyển đổi số báo chí.
Qua báo cáo gửi đến Quốc hội trước thềm phiên chất vấn tại Kỳ họp này của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho thấy một kế hoạch khá chi tiết những công việc đã và đang được Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện với sự thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc của cơ quan quản lý nhà nước trước những khó khăn, thách thức của báo chí hiện nay.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Luật Báo chí trong năm 2025; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng xếp báo, đài thuộc nhóm đặc thù để áp dụng mức thuế phù hợp hơn; phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí phát triển.
Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ cho cơ quan báo chí. Kiểm soát và điều tiết được nguồn thu quảng cáo trên không gian mạng theo hướng chuyển về các hệ sinh thái nội dung trong nước để báo chí có nguồn thu chính đáng, công bằng hơn từ nguồn quảng cáo "sạch". Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí. Thúc đẩy báo chí trong câu chuyện đồng hành với địa phương, doanh nghiệp trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, doanh nghiệp; có cơ chế đặt hàng để báo chí có thêm nguồn lực và động lực đầu tư các sản phẩm có nội dung chuyên sâu, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí truyền thông quốc tế...
Còn rất nhiều nhiệm vụ cụ thể khác cũng đã được nêu rõ tại Báo cáo gửi đến Quốc hội. Hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm đều được Bộ xác định thời hạn hoàn thành trong năm 2025 hoặc chậm nhất là trong năm 2026. Qua đó, các cơ quan báo chí, những người làm báo cũng thấy yên tâm, rằng những khó khăn, thách thức của báo chí, dù là hiện tại hay tương lai đều sẽ được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ. Hy vọng rằng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày mai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ làm rõ hơn những giải pháp đã xác định và quyết tâm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí phát triển, tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.