Tiền đề đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm
Tại Phiên thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), đề xuất đổi tên Tòa án Nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án Nhân dân phúc thẩm; Tòa án Nhân dân cấp huyện thành Tòa án Nhân dân sơ thẩm; thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu.
Bày tỏ tán thành với phương án thứ 2 trong 2 phương án mà Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử là bước tiến lớn, tạo khung pháp lý đổi mới hoạt động của hệ thống Tòa án; phù hợp định hướng cải cách tư pháp. “Trường hợp lựa chọn phương án này, có thể quy định hiệu lực thi hành (của điều khoản này) chậm hơn 1 năm so với hiệu lực thi hành Luật để có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện bảo đảm tính khả thi”, đại biểu gợi mở thêm.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cũng chia sẻ, qua nghiên cứu các thông tin tài liệu tham khảo thì phần lớn các quốc gia trên thế giới đều tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử mà không tổ chức tòa án theo địa giới hành chính. Đơn cử như tại Pháp, nước này tổ chức hệ thống tòa án gồm các Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa phá án. Tại Trung Quốc, hệ thống Tòa án Nhân dân được tổ chức thành 4 cấp (Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân cấp cao, Tòa án Nhân dân trung cấp, Tòa án Nhân dân sơ cấp). Hay như quốc gia có truyền thống luật dân sự - Thụy Điển, hệ thống Tòa án tại quốc gia này được tổ chức thành 3 cấp gồm: Tòa án địa phương, Tòa án phúc thẩm và Tòa án Tối cao.
Mặc dù, nhiều quốc gia không đặt tên tòa án cụ thể thành Tòa án sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm mà có thể chia thành Tòa án sơ cấp, trung cấp (như Trung Quốc) hay Tòa án địa phương, Tòa án phúc thẩm… nhưng về bản chất, hệ thống Tòa án của các nước này đều tổ chức theo cấp xét xử mà không tổ chức theo địa giới hành chính. “Mô hình này đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội”, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.
Cũng theo đại biểu, để quán triệt đầy đủ yêu cầu đặt ra trong các văn kiện của Đảng về việc bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thì việc tổ chức thành Tòa án Nhân dân sơ thẩm, Tòa án Nhân dân phúc thẩm sẽ là tiền đề để đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm trong các đạo luật về tố tụng và các luật liên quan. Tiếp tục tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ việc cho các Tòa án Nhân dân sơ thẩm. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án Nhân dân phúc thẩm sẽ được điều chỉnh theo hướng tiếp tục thu hẹp hơn so với hiện hành. Tăng cường tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa trong việc giải quyết các loại vụ việc đặc thù (hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ,...) thông qua Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Quy định rõ trách nhiệm của HĐND đối với Hội thẩm Nhân dân
Một nội dung khác cũng được ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà quan tâm, thảo luận là quy định về Hội thẩm Nhân dân (HTND). Qua nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu tán thành với đề nghị không giao HĐND quản lý HTND. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm của HĐND trong phối hợp quản lý, giám sát hoạt động, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho HTND. Vì HĐND bầu ra Đoàn Hội thẩm thì phải có chế tài ràng buộc trách nhiệm phối hợp quản lý, giám sát, cung cấp thông tin tình hình chất lượng hoạt động của các HTND do mình bầu ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà dẫn chứng, kết giám sát chuyên đề hoạt động của HTND 2 cấp trên địa bàn do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức trước kỳ họp này cho thấy: Dù cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ và bảo đảm nguyên tắc “Thẩm phán, HTND tham gia xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, song hoạt động của HTND vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Trong đó, hệ thống quy phạm pháp luật về HTND chưa đồng bộ; quy định về trách nhiệm pháp lý của HTND khi tham gia xét xử vụ án chưa rõ ràng; quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, hoạt động của HTND còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau; chưa có quy định về việc xử lý trong trường hợp HTND từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng hoặc tự ý vắng mặt đột xuất dẫn đến phiên tòa bị hoãn… Mặt khác, các điều kiện làm việc; chế độ, chính sách cho HTND hiện cũng ở mức thấp, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của HTND.
Việc dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, cập nhật nhiều nội dung; đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đối với hoạt động của HTND là hết sức cần thiết. Nhất là các quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, độ tuổi, chế độ, chính sách; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho HTND...