
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ: Biến thách thức thành cơ hội
TP. Hồ Chí Minh luôn xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển KT-XH. Giai đoạn 2021-2024, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ
Những kết quả đạt được là minh chứng rõ cho nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thành quả đó, thành phố rất cần những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, nhằm biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh mới.
Cụ thể, cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc trong khu vực công, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để TP. Hồ Chí Minh chủ động trong việc mời gọi chuyên gia, nhà khoa học, lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc lâu dài. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đặc thù để thu hút, giữ chân nhân tài, đặc biệt là các chính sách tài chính, hỗ trợ nhà ở và cải thiện môi trường làm việc.
Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thị trường lao động đang chịu tác động mạnh mẽ từ kỷ nguyên số. Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo lại lao động thông qua ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính.
Về mặt an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động nhập cư là vấn đề cấp thiết; cần sửa đổi các quy định tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội với giá cả hợp lý; đồng thời, mở rộng các chính sách tín dụng và hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm đời sống ổn định cho người lao động.
Việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động và bảo hiểm xã hội cũng là yếu tố quan trọng cần được giám sát chặt chẽ để tạo thuận lợi thực chất cho doanh nghiệp và người lao động. Những giải pháp này không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh đối mặt với thách thức mà còn biến thành cơ hội để phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông: Đồng bộ nhiều giải pháp mang tính chiến lược
Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ có tay nghề, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển các ngành kinh tế trọng điểm. Đồng thời, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng dự án, bảo đảm tiêu chí bảo vệ môi trường, sử dụng ít năng lượng và lao động. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang đối mặt với bài toán lớn về chất lượng nguồn nhân lực. Với sự cạnh tranh gay gắt từ các tỉnh thành khác trong khu vực, việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Bà Rịa - Vũng Tàu bứt phá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông
Trong giai đoạn 2021-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định rõ 4 trụ cột kinh tế chính bao gồm: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Để phát huy hiệu quả những lợi thế này, tỉnh đã tập trung xây dựng chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án quy mô lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh được xem là các chính sách gián tiếp để thu hút sử dụng lao động chất lượng cao.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất để hiện thực hóa tầm nhìn này chính là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hiện nay, công tác đào tạo nhân lực tại Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đủ đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Lao động được đào tạo nghề hàng năm phục vụ các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, dầu khí, kinh tế biển… vẫn còn hạn chế về kỹ năng nghề và khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao để đáp ứng kế hoạch mở rộng hoặc thay thế nhân sự. Ngoài ra, tính kỷ luật và các kỹ năng mềm của người lao động, như ngoại ngữ, làm việc nhóm, giao tiếp và quản lý thời gian cũng còn là điểm yếu. Đây là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp FDI thường yêu cầu ở người lao động khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao.
Để giải quyết những thách thức trên, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Trong đó, hoàn thiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; có các ưu đãi về nhà ở, lương thưởng, điều kiện làm việc và sinh hoạt dành cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước; thiết lập các khu làm việc chuyên biệt cho chuyên gia trong các ngành kinh tế trọng điểm.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng Dầu khí
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối các cơ sở đào tạo, giữa doanh nghiệp địa phương và sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng như tại TP. Hồ Chí Minh; cung cấp học bổng và cơ hội thực tập cho sinh viên giỏi nhằm tạo nguồn lao động tiềm năng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đầu tư vào hệ thống tại chỗ với sự tham gia tích cực của các cơ sở đào tạo địa phương và doanh nghiệp; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề chuyên sâu, kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại. Đồng thời, cần xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù, có cơ chế trả lương linh hoạt từ nguồn kinh phí của tỉnh cho các ngành như y tế và công nghệ cao; tăng cường đãi ngộ để giữ chân nhân tài và thu hút thêm nhiều chuyên gia giỏi về làm việc tại tỉnh.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Thiên Phúc: Đầu tư có chiều sâu theo thế mạnh các đơn vị
Cần thiết lập các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tăng cường đầu tư tài chính là cần thiết, bảo đảm rằng các trường đại học có nguồn ngân sách ổn định và đủ lớn để phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao và cơ sở vật chất hiện đại. Cũng cần đơn giản hóa thủ tục cấp và gia hạn giấy phép lao động cho giảng viên nước ngoài, bảo đảm linh hoạt hơn so với các thủ tục lao động nước ngoài nói chung.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Thiên Phúc
Ngoài ra, với chính sách thu hút và phát triển nhân tài, cần có ưu đãi để thu hút nhà giáo dục, nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam. Điều này có thể bao gồm cấp visa ưu tiên, cải thiện điều kiện làm việc và sống, cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính hấp dẫn. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng các yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế. Khuyến khích các trường đại học tham gia mạng lưới hợp tác giáo dục quốc tế, thúc đẩy trao đổi sinh viên và giảng viên, nhằm học hỏi kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn giáo dục.
Nhà nước nên đầu tư có chiều sâu vào phát triển khoa học và công nghệ theo năng lực và thế mạnh các đơn vị để phát huy hết tiềm năng sẵn có nhằm nâng tầm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục nói riêng và quốc gia nói chung theo xu hướng mới là khoa học công nghệ kết hợp với đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù dành riêng cho hoạt động đấu thầu đối với công tác kiểm định chất lượng đào tạo bởi các tổ chức kiểm định quốc tế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Đề xuất Quốc hội xem xét không thu 2% thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên học phí đào tạo chính quy và sau đại học trong chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, do cơ cấu học phí hiện nay không đủ để gọi là giá dịch vụ đào tạo. Đối với Trường Đại học Bách khoa, mức thu học phí còn thấp hơn mức thu theo quy định trong Nghị định của Chính phủ. Nếu thu thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn đầu tự chủ 2021-2024 là không phù hợp vì trong cấu thành học phí không có 2% thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc nộp khoản thuế này sẽ gây khó khăn lớn về kinh phí cho các trường đại học công lập.