Trong lời nói đầu, Hiến pháp đã tuyên bố về nguyên tắc nhân dân Nhật Bản nắm giữ chủ quyền nhân dân và soạn thảo Hiến pháp, bác bỏ tư tưởng cho rằng chủ quyền tối cao thuộc về Hoàng đê,ë mà khẳng định, Hoàng đế chỉ là biểu tượng, do ý chí của nhân dân. Hiến pháp cũng khẳng định học thuyết tự do về nhân quyền. Phần viết về quyền con người chiếm một khối lượng lớn trong toàn bộ bản Hiến pháp của Nhật Bản. Trong 103 điều của Hiến pháp thì có tới 31 điều nói về quyền và nghĩa vụ của nhân dân, mô tả chi tiết và phản ánh cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của con người một cách rõ ràng trong Hiến pháp. Các phần khác về tổ chức quyền lực nhà nước chỉ đưa ra những vấn đề cơ bản và mang tính nguyên tắc.

Các nhà lý thuyết hiến pháp của Nhật Bản cho rằng, kỹ thuật thể hiện như vậy là yếu tố quan trọng để Hiến pháp có sức sống lâu dài và phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng phái, các lực lượng xã hội và người dân có thể hợp tác với nhau. Nếu Hiến pháp thể hiện quá cụ thể, quan tâm quá mức tới một chi tiết nào đó thì sẽ loại bỏ, gạt ra ngoài lề một lực lượng xã hội nào đó, làm nảy sinh chia rẽ xã hội và dần dần sẽ dẫn đến đổ vỡ Hiến pháp và phá vỡ hệ thống chính trị. Đồng thời cách thể hiện mang tính nguyên tắc có thể áp dụng vào các thời điểm khác nhau, phù hợp thực tiễn. Ví dụ như chương về tự trị địa phương trong Hiến pháp của Nhật Bản chỉ có 4 điều rất ngắn gọn. Điều 92 viết: “Quy tắc về tổ chức và điều hành nền hành chính địa phương do luật ấn định theo nguyên tắc tự trị địa phương.” Cách thể hiện như vậy được cho là sẽ thích hợp cho các thời kỳ khác nhau, bởi lẽ không có mô hình cụ thể kiểu mẫu nào cho tổ chức chính quyền địa phương, mà luôn thay đổi theo thực tiễn và thời gian.
Cách thức thể hiện của Hiến pháp Nhật Bản về cơ bản được cho là rất chuẩn mực, duy chỉ có Điều 9 cho đến nay vẫn gây nhiều tranh luận và nhiều ý kiến khác biệt nhất. Các học giả hiến pháp đã chỉ ra thế tiến thoái lưỡng nan của Chính phủ Nhật Bản trong vấn đề giải thích Điều 9. Một mặt, Chính phủ Nhật Bản công nhận quyền phòng vệ của quốc gia và tính chính đáng của việc sử dụng vũ lực của cảnh sát đối với tội phạm nhưng lại bác bỏ tính chính đáng trong việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Khi xem xét những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng của chủ nghĩa quân phiệt đối với quan hệ quốc tế và xã hội dân sự, lập trường của Chính phủ Nhật Bản được cho là phải hết sức thận trọng và phải dựa trên các cam kết hiến định, nhằm giảm thiểu các tiềm lực của chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt, phát triển một nền dân chủ tự do lành mạnh, các mối bang giao hòa bình và hữu hảo với các nước láng giềng.
Phần lớn các nhà nghiên cứu Hiến pháp Nhật Bản lại không đồng tình với quan điểm “hòa bình một nửa” của Chính phủ, mà cho rằng phải căn cứ đúng vào lời văn của Điều 9 Hiến pháp, cấm Chính phủ duy trì các lực lượng quân sự dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, đại đa số người dân Nhật Bản lại cho rằng bảo vệ mạng sống và tài sản của nhân dân trước bất kỳ nguy cơ xâm lược nào là chức năng thiết yếu của Chính phủ. Đa số nhân dân Nhật Bản cho rằng, khó mà bảo vệ được quốc gia hiệu quả nếu không có lực lượng quân đội; lời văn của Điều 9 được coi như sự thúc bách về mặt đạo đức, từ bỏ chiến tranh như là một điều thiện phải làm nhưng không có nghĩa là không có quyền tự vệ quốc gia.