Cam kết cho vay gần 2,5 triệu tỷ đồng
Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao (giai đoạn 2015 - 2017 đạt 18 - 19%, 2018 đạt gần 14%, 3 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng 3,19%). Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, như: Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 21,41%; tín dụng công nghiệp và xây dựng tăng 9,91%; tín dụng thương mại và dịch vụ tăng 16,57%; tín dụng đối với DNNVV tăng 15,57%...
Từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng cũng đã tổ chức trên 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên toàn quốc, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho gần 195.000 doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Riêng trong năm 2018, đã có trên 420 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác…
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp còn một số khó khăn. Cụ thể, công tác cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại một số địa phương chưa đạt được hiệu quả cao, phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Công tác xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi khách hàng không trả được nợ vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, dẫn đến tâm lý thận trọng hơn trong cho vay của các tổ chức tín dụng. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đối ứng; dự án, phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, sản xuất tự phát...
Trưởng phòng Định chế, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Việt Hưng xác nhận, hiện, các doanh nghiệp đang tiếp cận vốn thông qua các định chế tài chính nhà nước gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam và khoảng 40 quỹ tài chính nhà nước như Quỹ Hỗ trợ phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng… Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn cho khối DNNVV “vẫn chưa phát triển đồng bộ, đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Một số cơ chế chính sách còn chậm thay đổi so với tình hình thực tế; hoặc tuy được ban hành nhưng vẫn chưa hoàn toàn khả thi”, ông Hưng nói.
Doanh nghiệp phải công khai, minh bạch
Đề xuất giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Hưng cho rằng, về phía quản lý nhà nước, trước tiên cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách về hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các định chế tài chính nhà nước. Đồng thời, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế tài chính theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa về thủ tục cho vay và điều kiện vay, tài sản bảo đảm; tăng cường năng lực tài chính cho các định chế tài chính nhà nước, qua đó nâng cao khả năng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, phải cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin; nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, nâng cao khả năng áp dụng công nghệ… để tăng khả năng tiếp cận vốn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, nhằm phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần triển khai đồng bộ các quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tổ chức tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo quy định của Chính phủ. UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các bộ, ngành, đặc biệt là cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Đối với các hiệp hội ngành hàng, phải hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.
Cho rằng giải pháp thuế mang tính tạo động lực đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ động trong hội nhập, song, “dòng máu” để doanh nghiệp hoạt động là tín dụng, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh: “Hơn hết, việc tiếp cận tổ chức tín dụng cần phải thông thoáng nhất để cùng đồng hành và phát triển với doanh nghiệp”.
Còn theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, “chính sách quản lý hiện nay đang nghiêng về nhà quản lý. Chẳng hạn, chính sách tín dụng phải bảo đảm an toàn cho ngân hàng, chính sách thuế bảo đảm thuận lợi cho cán bộ thuế, trong khi đó lại tạo gánh nặng, rủi ro cho doanh nghiệp”. Từ thực tế này, bà đề xuất mục tiêu của chính sách quản lý “cần phải bình đẳng” giữa nhà quản lý với doanh nghiệp.