Không đồng nhất về mô hình y tế tuyến cơ sở
Tổ chức mạng lưới y tế cơ sở thiếu ổn định và thống nhất - đây là nội dung được Bộ Y tế thừa nhận ngay trong báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” vừa qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện đang có 60/63 tỉnh, thành phố quy định trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế; 3 tỉnh có trung tâm y tế huyện trực thuộc UBND cấp huyện. 59/63 tỉnh, thành phố tiến hành sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm y tế huyện; 4 tỉnh vẫn đang giữ mô hình Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện. Đối với tuyến xã, 99,6% các xã phường, thị trấn có trạm y tế xã; tuy nhiên, đã có địa phương quy định giải thể trạm y tế phường và giao trung tâm y tế huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế.
Cũng theo ghi nhận của Đoàn giám sát, trong vòng 10 năm đã có 3 lần thay đổi mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với mạng lưới y tế cơ sở, gây tác động tới hoạt động của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Cụ thể, khảo sát tại Bình Phước, mô hình trung tâm y tế huyện do UBND quận, huyện quản lý sẽ gặp khó khăn trong điều động nhân lực giữa các quận, huyện do Sở Y tế không có vai trò điều phối để điều động nhân lực tại các địa bàn. Đối với những tỉnh có mô hình trung tâm y tế huyện do Sở Y tế quản lý, thì Sở Y tế sẽ quản lý được về chuyên môn và có thể điều động được nhân lực giữa các đơn vị trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu trung tâm y tế huyện được UBND huyện quản lý sẽ được quan tâm hơn trong đầu tư kinh phí, đồng thời sự phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe trên địa bàn huyện cũng được thực hiện tốt hơn.
Mới đây nhất, theo Thông tư 37/2021/TT - BYT, ngày 31.12.2021, của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định, chuyển trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý khi bảo đảm các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đặt vấn đề: Phải chăng Bộ đã giao cho địa phương “khoảng sân rộng”, khi không có hướng dẫn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính như thế nào là bảo đảm?
Thành viên Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú bày tỏ băn khoăn về việc Bộ Y tế có nắm được thực tế: Khi giải thể trạm y tế xã, phường, giao chức năng, nhiệm vụ cho trung tâm y tế huyện, thì y tế dự phòng ở huyện được thực hiện như thế nào, có bị ảnh hưởng hay không? Tới đây, Bộ Y tế có kiến nghị gì liên quan đến mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã?
“Trên bảo, dưới không nghe”?
Giải trình tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định vai trò quan trọng của y tế cơ sở và y tế dự phòng, làm tốt công tác dự phòng sẽ giảm số lượng người dân phải đến chữa bệnh tại các cơ sở y tế, làm tốt y tế cơ sở tức là làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện nay, ngay tại trạm y tế xã, ngoài khám, chữa bệnh, trạm y tế xã còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu… “Việc giải thể trạm y tế xã, phường để giao nhiệm vụ cho trung tâm y tế huyện là chưa phù hợp. Đây là quan điểm chung của Bộ Y tế”, Bộ trưởng khẳng định.
Đối với việc chuyển đổi mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với mạng lưới y tế cơ sở, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đang tham khảo ý kiến của các địa phương để đánh giá và tiến tới thực hiện mô hình thống nhất trên cả nước.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã có bước tiến lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, vai trò y tế cơ sở, y tế dự phòng là không thể phủ nhận. Nhấn mạnh điều này, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, thì bất cập hiện nay đó là tổ chức bộ máy, biên chế, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Và trách nhiệm của Bộ Y tế là phải làm rõ những tồn tại, hạn chế này, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Ở đây có nguyên nhân “trên bảo, dưới không nghe”. Cụ thể, Thông tư 37/2021/TT - BYT được ban hành, Bộ Y tế đã thống nhất chỉ đạo, chuyển trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý, nhưng ở nhiều địa phương vẫn chưa tiến hành.
Hay, quan điểm của Bộ Y tế là không giải thể trạm y tế xã, phường, nhưng các địa phương đã giải thể. Tức là thực tiễn đang đặt ra vấn đề: Hướng dẫn đã ban hành nhưng không được thực hiện, không làm đúng, hoặc làm khác đi, thì Bộ Y tế phải có cách ứng xử như thế nào - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề.
Muốn nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng, thì cần có những kiến nghị xác đáng từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành của chính Bộ Y tế. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra dường như chưa giải quyết được đòi hỏi từ thực tế. Vấn đề đặt ra là: Câu chuyện mô hình tổ chức và cơ chế quản lý cần sớm tìm cho được lời giải đáp. Như gợi mở của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thì “10 năm với 3 lần thay đổi mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với mạng lưới y tế cơ sở không nên nhìn hoàn toàn dưới góc độ hạn chế, mà đây còn là sự trăn trở, tư duy đổi mới, làm sao để quản lý hiệu quả và phát triển tốt hơn mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đoàn giám sát của Quốc hội đang rất mong chờ những kiến nghị về cơ chế, chính sách của Bộ Y tế nói riêng và Chính phủ nói chung, để tăng cường vai trò và nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở, y tế dự phòng, góp phần thiết thực trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới hiện nay.